Quan tâm hỗ trợ sản xuất, nâng cao đời sống của người dân trong Khu Bảo tồn thiên nhiên

16:54, 25/06/2014

Ngày 25-6, đồng chí Nguyễn Đình Phách, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh làm việc với Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng (ảnh). Cùng dự có đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Võ Nhai.

 

Tải về bộ xem flash để có thể xem video này.

 

Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 12-1999. Những năm qua, Ban Quản lý Khu Bảo tồn đã có nhiều nỗ lực, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ năm 2011 đến nay, lực lượng kiểm lâm của Ban đã xử lý vi phạm hành chính 648 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; tịch thu 1.527m3 gỗ quy tròn các loại, 243 phương tiện vận chuyển lâm sản trái phép; thu nộp ngân sách trên 3,6 tỷ đồng; không để xảy ra vụ cháy rừng nào. Riêng từ năm 2012 đến nay, kiểm lâm đã dỡ bỏ, tiêu hủy 195 lán trại lập trái phép trên rừng, tịch thu 26 cưa xăng… Đồng thời triển khai một số mô hình hỗ trợ sản xuất nhằm nâng cao đời sống của người dân trong vùng.

 

Ghi nhận những kết quả đã đạt được và chia sẻ những khó khăn của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng trong thực hiện nhiệm vụ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Ban và địa phương cần quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng các mô hình, dự án hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao đời sống kinh tế cho người dân trong vùng. Có như vậy thì việc bảo vệ và phát triển rừng mới hiệu quả và bền vững. Đồng chí cũng cho rằng, Khu Bảo tồn là khu vực luôn tiềm ẩn sự phức tạp về an ninh trật tự bởi có diện tích rừng và trữ lượng khoáng sản khá lớn, trong khi đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, song song với các biện pháp bảo vệ rừng đang được triển khai, Ban Quản lý Khu Bảo tồn và chính quyền địa phương cần quan tâm nâng cao đời sống kinh tế và tuyên truyền  nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng. Cán bộ kiểm lâm phải bám sát cơ sở, gắn bó mật thiết với nhân dân, tích cực nắm bắt thông tin, bảo vệ rừng trên quan điểm coi trọng ngăn ngừa; quan tâm xây dựng lực lượng cộng tác viên, là những người sẵn sàng và kịp thời báo tin khi rừng bị xâm hại.

 

Về hình thức giao khoán rừng cho người dân bảo vệ đang được triển khai, đồng chí Nguyễn Đình Phách yêu cầu Ban Quản lý Khu Bảo tồn nghiên cứu, qua đó đề xuất cấp trên quyết định có hoặc không tiếp tục triển khai, mở rộng. Bên cạnh đó, Ban cần tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp, giữ mối quan hệ, trao đổi thông tin thường xuyên với các đơn vị và địa phương liên quan… nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ quan trọng là quản lý bảo vệ và phát triển rừng trong Khu Bảo tồn thiên nhiên.

 

* Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng nằm ở phía Bắc của huyện Võ Nhai (thuộc địa bàn 7 xã và 1 thị trấn), có 17,5 nghìn ha rừng đặc dụng; gần 10 nghìn ha rừng phòng hộ và gần 12 nghìn ha rừng sản xuất. Đây là khu bảo tồn có hệ sinh thái rừng núi đá độc đáo, tính đa dạng sinh học cao, gồm: trên 160 họ với 1.096 loài thực vật, trong đó có một số loại gỗ quý hiếm; có 295 loài động vật. Nơi đây còn có các di chỉ khảo cổ học, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh: Mái đá Ngườm, hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, thác Mưa Rơi, suối Tiên…