Cho ý kiến vào nhiều báo cáo, tờ trình

14:01, 01/07/2014

Trong 2 ngày 1 và 2-7, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đình Phách, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 44 khóa XVIII đã họp, bàn và cho ý kiến vào nhiều báo cáo, đề án quan trọng.

 

Tải về bộ xem flash để có thể xem video này.

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Phách yêu cầu các đại biểu tập trung trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu, phân tích những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân chưa đạt được. Trên cơ sở đó đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm và thời gian tiếp theo.

 

Trong buổi sáng ngày 1-7, các đại biểu dành nhiều thời gian để nghe và cho ý kiến vào báo cáo đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm và bàn nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm. Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến vượt bậc, đạt và vượt 6/7 chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 15,2% (chỉ tiêu đề ra năm 2014 là 15%); giá trị sản xuất công nghiệp là 48.486 tỷ đồng, tăng 267% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu bằng 211,5% kế hoạch, tăng 33 lần so với cùng kỳ năm trước giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản tăng 5,4%... Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đều được quan tâm và có chuyển biến tích cực, góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2014 đã đề ra.

 

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh mặc dù đạt cao nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp đạt thấp, nhất là các chỉ tiêu trong phong trào xây dựng nông thôn mới khó đạt được như kế hoạch đề ra trong năm. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý Nhà nước về khoáng sản, tài nguyên còn những hạn chế, bất cập. Các đại biểu cũng đề nghị tỉnh cần có những biện pháp kiên quyết thu hồi vốn hoặc dừng các dự án trọng điểm không hiệu quả hoặc quá chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.

 

Kết luận nội dung này, đồng chí Nguyễn Đình Phách đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung xây dựng và triển khai giải pháp thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chỉ tiêu như trong kế hoạch đã đề ra. Đồng thời có các giải pháp tích cực chống thất thu thuế. Đồng thời giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Cục thuế, Cục Thống kê tham mưu cho tỉnh những giải pháp phấn đấu tăng thu ngân sách đạt 700 tỷ đồng trở lên. Đồng chí cũng yêu cầu các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động, tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới, không trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước.

 

Đối với báo cáo kết quả thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh từ 1998 đến nay. Thời điểm 1998, tỉnh ta có 54 doanh nghiệp Nhà nước do UBND tỉnh thành lập theo ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Tính đến hết năm 2013, còn 8 doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% vốn; 7 Công ty cổ phần Nhà nước có đầu tư vốn do UBND tỉnh là đại diện chủ sở hữu hoạt động trong lĩnh vực công ích và kinh doanh. Theo kế hoạch tái cơ cấu sắp xếp, cổ phần hóa và đổi mới doanh nghiệp Nhà nước năm 2014-2015, dự kiến giữ nguyên 2 công ty có vốn 100% điều lệ; cổ phần hóa 3 công ty TNHH một thành viên; tái cơ cấu, kết hợp thoái vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần có vốn đầu tư của Nhà nước do UBND tỉnh thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với các công ty hoạt động tại lĩnh vực công ích và kinh doanh theo các phương án sắp xếp và lộ trình cụ thể.

 

Kết luận nội dung này, đồng chí Nguyễn Đình Phách cho rằng, các loại hình công ty Nhà nước nắm giữ nhiều cổ phần chi phối thì cân nhắc thoái vốn Nhà nước theo tỷ lệ thích hợp để tăng vốn đầu tư, kích thích các cổ đông mua cổ phần đầu tư thêm để nâng cao chất lượng phục vụ, tránh tình trạng các công ty xuống cấp.

 

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe tờ trình về nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035. Mục tiêu phát triển của vùng quy hoạch là phấn đấu dẫn đầu tốc độ phát triển kinh tế của vùng trung du miền núi phía Bắc; sẵn sàng đáp ứng sự phân công, hợp tác, chia sẻ liên kết về các động lực, cơ hội phát triển, mối quan hệ cung cầu cũng như trách nhiệm giải quyết các khó khăn và thách thức trong vùng Thủ đô Hà Nội theo hướng hài hòa và bền vững...

 

Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định việc quy hoạch xây dựng vùng có ý nghĩa quan trọng để cụ thể hóa các quy hoạch chiến lược, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, vùng, cũng là cơ sở để hướng dẫn thực hiện, xây dựng chương trình phát triển đô thị, quản lý đầu tư xây dựng trong toàn tỉnh theo các quy hoạch được phê duyệt. Đồng chí đề nghị các ngành chức năng cần chuẩn bị tốt các điều kiện lập, triển khai quy hoạch, tránh các quy hoạch chồng lấn lên nhau.

 

Các đại biểu cũng cho nhiều ý kiến và thống nhất cao thông qua tờ trình về quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời đề nghị đơn vị xây dựng quy hoạch là Sở Kế hoạch và Đầu tư cần chỉnh sửa quy hoạch cho sát hơn với quy hoạch của các ngành, trong đó phần giải pháp cần cụ thể hơn, có phân kỳ và ưu tiên thực hiện cụ thể. Nhất là việc thực hiện quy hoạch này phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển các ngành hạ tầng kinh tế - xã hội Việt Nam và các vùng trung du miền núi Bắc bộ và vùng Hà Nội đến năm 2020…

 

Ngày mai (2-7), Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục phiên làm việc, cho ý kiến vào nhiều báo cáo quan trọng và làm công tác cán bộ.