Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ, phát triển rừng

14:56, 01/08/2014

Đây là chủ đề Hội thảo quy mô cấp Quốc gia do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Nông nghiệp - PTNT và Tỉnh ủy Thái Nguyên phối hợp tổ chức ngày 1-8 tại T.P Thái Nguyên.

 

Tải về bộ xem flash để có thể xem video này.

 

Đến dự, chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Nguyễn Đình Phách, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên; Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT. Tham dự Hội thảo có đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các trường đại học; lãnh đạo 15 tỉnh thuộc các vùng trong cả nước cùng nhiều nhà khoa học về lĩnh vực này. Về phía tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, lãnh đạo UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng một số sở, ngành chức năng.

 

Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đình Phách đã thông tin nhanh tới các đại biểu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua; nhấn mạnh những kết quả đạt được cũng như một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghệp trên địa bàn, đồng thời bày tỏ mong muốn thông qua Hội thảo, tỉnh Thái Nguyên sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm, bài học nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong những năm tới…

 

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp - PTNT, trong những năm qua, diện tích rừng trên cả nước đã tăng nhanh và ổn định (đến nay, tổng diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng là trên 13,5 triệu ha, đạt độ che phủ xấp xỉ 40%). Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có nhiều tiến bộ, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này giảm dần. Bên cạnh đó, sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng nhanh và ngày càng thích ứng với biến đổi của thị trường thế giới; đời sống của người dân làm nghề rừng được nâng lên… Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản và sử dụng đất lâm nghiệp trái phép còn diễn biến phức tạp; năng suất, chất lượng, giá trị của rừng sản xuất còn thấp, công nghiệp chế biến phát triển chậm, khả năng cạnh tranh của sản phẩm lâm nghiệp chưa cao, giá trị tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng…

 

Trên cơ sở phân tích những ưu thế, kết quả đạt được cũng như một số hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực phát triển kinh tế lâm nghiệp và công tác bảo vệ, phát triển rừng, tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều quan điểm, giải pháp để lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế mạnh, đem lại giá trị cao, cùng với đó là nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng. Đáng chú ý là các tham luận: Đánh giá chính sách hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế lâm nghiệp (của đại diện Hội Nông dân Việt Nam); hướng tới một nền lâm nghiệp bền vững và đa chức năng (đại diện Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam); đánh giá các loại hình, mô hình sản xuất, kinh doanh lâm sản hiện nay (đại diện Trung tâm Nghiên cứu kinh tế lâm nghiệp); việc thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân địa phương phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ, phát triển rừng (đại diện ngành Nông nghiệp - PTNT tỉnh Điện Biên)… Về phía tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã nêu một số giải pháp gắn bảo vệ rừng với phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua, định hướng công tác này trong những năm tới.

 

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Qua một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội thảo đã thu nhận được nhiều ý kiến chất lượng, qua đó góp phần đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện hơn về các mặt đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong việc ban hành, thực thi các chính sách, giải pháp bảo vệ, phát triển rừng và hỗ trợ người dân phát triển kinh tế lâm nghiệp thời gian qua. Cùng với đó, các cấp, ngành chức năng và các địa phương sẽ rút kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về Nnông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chiến lược phát triển lâm nghiệp đến năm 2020…

 

Được biết, ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo sẽ được tổng hợp đầy đủ, lập báo cáo gửi tới lãnh đạo Quốc hội và các bộ, ban, ngành liên quan nghiên cứu để có những biện pháp giải quyết trong thời gian tới, với mục tiêu quan trọng đặt ra là gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với bảo vệ và phát triển rừng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.