Đánh giá kết quả thực hiện Đề án Phát triển kinh tế tập thể

14:46, 30/09/2014

Chủ trì cuộc họp ngày 30-9 (ảnh), nhằm đánh giá kết quả thực hiện Đề án Phát triển kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn từ năm 2011 đến nay, đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển KTTT tỉnh tiếp tục nhấn mạnh vị trí và vai trò quan trọng của lĩnh vực này.

Đồng chí đã ghi nhận một số kết quả phát triển KTTT từ khi triển khai Đề án (giai đoạn 2011-2015) đến nay. Như công tác chỉ đạo triển khai của các địa phương và cơ quan liên quan; công tác đào tạo hỗ trợ cho các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, cũng như một số chỉ tiêu chính đã đạt và vượt kế hoạch. Tại những nơi mà cấp ủy và chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ thì khu vực KTTT đều có sự phát triển khá, như huyện Đồng Hỷ và huyện Võ Nhai.

 

Từ năm 2011 đến nay, số HTX thành lập mới là 78 đơn vị, đạt mục tiêu mỗi năm thành lập mới từ 15 đến 20 HTX; tổng số tổ hợp tác là 756 tổ, vượt mục tiêu nêu trong Đề án; 7 huyện, thành đã xây dựng được ít nhất 2 mô hình HTX điển hình; 32/35 xã điểm xây dựng nông thôn mới có HTX, trong đó có 41 HTX hoạt động hiệu quả; các cơ quan và địa phương đã phối hợp tổ chức hàng chục lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn cho trên 1.000 lượt người… Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, yếu kém chưa được khắc phục như: Việc nhân rộng các mô hình điển hình chưa đạt kết quả cao; năng lực quản lý và cơ sở vật chất của nhiều HTX còn yếu, đa số có quy mô nhỏ và thiếu vốn đầu tư, khả năng cạnh tranh yếu; nhận thức của không ít cán bộ và người dân về phát triển KTTT còn hạn chế…

 

Đồng chí Đặng Viết Thuần đã yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo phát triển KTTT tỉnh phân tích, tìm nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém đồng thời đề xuất giải pháp khắc phục. Trong đó cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan; xem xét hiệu quả thực chất của công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn… Đồng chí nhấn mạnh: Phát triển KTTT là trách nhiệm của các sở, ngành liên quan và cấp ủy, chính quyền địa phương; cần đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền về phát triển KTTT cho phù hợp với tâm lý, nhận thức của người dân cũng như điều kiện cụ thể của từng địa phương; tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động của các đơn vị KTTT, qua đó động viên, khuyến khích và có sự hỗ trợ kịp thời để họ khắc phục khó khăn, nhất là về vốn và đầu ra sản phẩm… Trong quá trình đó, Liên minh HTX tỉnh với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo, triển khai và phối hợp triển khai thực hiện Đề án; củng cố lại tổ chức bộ máy trên cở sở số nhân lực hiện có.