Ghi từ buổi đối thoại với dân

17:37, 03/09/2014

Nhà máy Nhiệt điện An Khánh I do Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh làm chủ đầu tư đang trong quá trình hoàn thiện các hạng mục, phấn đấu trong tháng 9 này sẽ phát điện thương mại tổ máy số 1 và tháng 11 sẽ phát điện tổ máy số 2. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, chủ đầu tư đang gặp một số vướng mắc, nhất là việc kéo đường điện mạch kép 110KV hòa lưới điện Quốc gia đã bị người dân ở xã Quyết Thắng và phường Quan Triều (T.P Thái Nguyên) cản trở, nếu không giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tiến độ phát điện như dự kiến.

Trước thực tế trên, ngày 3-9, xã Quyết Thắng cùng với chủ đầu tư đã tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân để cùng tìm hướng giải quyết, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Theo như đánh giá của phóng viên thì cuộc đối thoại đã điễn ra trên tinh thần cởi mở, người dân thẳng thắn bày tỏ nguyện vọng; chủ đầu tư thể hiện trách nhiệm với người dân bị ảnh hưởng của dự án; chính quyền và các ngành chức năng của thành phố thì vào cuộc quyết liệt…

 

Theo như giấy mời, đúng 8 giờ, các hộ dân, lãnh đạo địa phương, ngành chức năng, chủ đầu tư đã có mặt đông đủ tại hội trường UBND xã Quyết Thắng. Mở đầu cho cuộc đối thoại là ý kiến khúc mắc của nhân dân về việc đền bù, bồi thường thiệt hại khi chủ đầu tư và đơn vị thi công xây dựng cột điện, kéo đường dây điện cao thế từ nhà máy qua nhà ở, qua ruộng, đồi canh tác hòa với lưới điện Quốc gia đã không có sự công bằng, không thu hồi đất ruộng, đất đồi trong khi đường điện cao thế ở rất gần so với mặt ruộng, đồi…

 

Ông Phan Văn Nguyên, xóm Bắc Thành, xã Quyết Thắng thẳng thắn đề nghị: “Chúng tôi không lấy đây là cái cớ để gây khó dễ cho chính quyền, cho chủ đầu tư để đòi tiền bồi thường, tiền đền bù mà đó là những yêu cầu, đề nghị chính đáng. Gia đình tôi có trên 700m2 ruộng canh tác, đường điện cao thế từ nhà máy nối với mạng lưới điện Quốc gia đi qua ruộng chỗ thấp nhất chỉ cách mặt đất hơn 6m, nếu chúng tôi đưa cơ giới hóa vào sản xuất thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi trời mưa gió… Không chỉ có riêng gia đình tôi mà trong xóm còn 5 hộ nữa cũng trong tình trạng tương tự. Vậy, chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương, chủ đầu tư thu hồi phần diện tích của các gia đình và đền bù cho chúng tôi theo quy định của Nhà nước...”.

 

Còn đối với gia đình ông Nguyễn Văn Tính, cùng ở xóm Bắc Thành thì thắc mắc rằng cùng là các hộ ở sát nhau, chịu ảnh hưởng như nhau, thậm chí diện tích bị ảnh hưởng còn ít hơn mà có hộ lại được nhận số tiền lớn hơn. Điều này tạo ra sự không công bằng giữa các hộ dân, phải chăng cán bộ đã làm không đúng với quy định của Nhà nước về chính sách đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng…!?

 

Với tinh thần lắng nghe, cầu thị và không vô cảm với người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, chính quyền địa phương, ngành chức năng, chủ đầu tư đã tiếp thu, giải thích thỏa đáng những thắc mắc mà người dân đưa ra. Tại buổi đối thoại, ông Ngô Quốc Hội, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh đã chia sẻ và cảm thông với những thắc mắc, lo lắng của nhân dân. Ông khẳng định: “Việc cán bộ đơn vị thi công tự ý hỗ trợ tiền cho một số hộ dân không đúng với quy định có phần trách nhiệm của chủ đầu tư, vì việc này đã làm nảy sinh sự hoài nghi trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư chung của cả tỉnh. Chúng tôi sẽ nghiêm khắc kiểm điểm trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể liên quan. Nếu nguồn kinh phí đó mà đơn vị thi công quyết toán vào chi phí thực hiện dự án thì sẽ đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc làm rõ. Còn những hộ gia đình có đường điện cao thế đi qua đất ruộng, đồi chúng tôi sẽ phối hợp với ngành chức năng và chính quyền địa phương trình UBND tỉnh xin cơ chế đặc thù để thực hiện việc thu hồi, đền bù theo quy định. Trước mắt, khi chưa nhận được sự đồng ý của UBND tỉnh trong việc thu hồi đất, nhưng để đảm bảo tiến độ, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm đếm và bồi thường cho các hộ dân, đồng thời đề nghị các gia đình ủng hộ, bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công theo kế hoạch đã đề ra…”.

 

Được biết, đây là dự án Nhà máy nhiệt điện đầu tiên trên địa bàn tỉnh do doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư, với tổng số vốn 4.300 tỷ đồng. Nhà máy Nhiệt điện An Khánh I có công suất 115MW, khi hoàn thành sẽ hòa vào lưới điện Quốc gia 800 triệu KWh/năm; đóng góp ngân sách hàng trăm tỷ đồng.

 

Qua cuộc đối thoại này, chúng tôi mong muốn không chỉ có xã Quyết Thắng mà tại phường Quan Triều cũng đang có những khúc mắc như trên, chính quyền các địa phương, chủ đầu tư và nhân dân vùng dự án hãy cùng đồng lòng, sẻ chia khó khăn để dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh I sớm đi vào vận hành như kế hoạch đã đề ra vì mục tiêu lớn phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra là sớm đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.