Giám sát thực hiện Luật An toàn vệ sinh thực phẩm

17:41, 08/09/2014

Thực hiện chương trình công tác về hoạt động giám sát thực hiện Luật An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của Thường trực HĐND tỉnh, ngày 8-9, Đoàn giám sát do đồng chí Vi Thị Chung, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đến giám sát tại Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương. Tham dự có đồng chí Dương Văn Lành, Ủy viên Ban Thường trực HĐND tỉnh cùng đại diện Sở Y tế, Công an tỉnh. 

Đây là hai đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm về thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. Những năm qua, các cơ quan chức năng của hai ngành đã tích cực thực hiện công tác thanh, kiểm tra và cấp phép hoạt động cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm ổn định thị trường và ATVSTP; bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng cũng như sức khỏe cho cộng đồng.

 

Tuy nhiên, qua báo cáo công tác kiểm tra hàng năm cho thấy, tình trạng vi phạm vẫn xảy ra. Tại ngành Nông nghiệp và PTNT, từ năm 2012 đến hết tháng 6-2014 đã kiểm tra trên 2.000 cơ sở, trong đó đã có trên 150 cơ sở vi phạm; ngành Công Thương kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, đã xử lý 469 vụ. Quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý và kiểm tra tại hai ngành đã bộc lộ những khó khăn, bất cập: các văn bản hướng dẫn liện bộ (Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương) chưa đồng bộ dẫn đến việc phối hợp thực hiện tại cơ sở không nhất quán từ quy định tiêu chuẩn sản xuất đến địa điểm kinh doanh và môi trường kinh doanh...; các cơ quan quản lý, thanh, kiểm tra chưa có các thiết bị kiểm tra chuyên môn sâu, nên khó quy trách nhiệm và đánh giá chất lượng sản phẩm.

 

Về quy mô sản xuất, kinh doanh, mặc dù phần lớn là hoạt động nhỏ lẻ, mang tính thời vụ, nhưng mức độ ảnh hưởng trong cộng đồng xã hội lại rất lớn, song lại khó kiểm soát. Bên cạnh những khó khăn trên, vấn đề về kinh phí hoạt động quản lý, kiểm tra, xử lý cho các đơn vị thực hiện cũng hạn chế, nên khó kiểm tra được thường xuyên và chưa có vùng cách ly, xử lý sản phẩm mất an toàn theo đúng quy định...

 

Từ thực tế này, các đơn vị được giám sát đã kiến nghị với Đoàn về những chính sách cần được bổ sung kịp thời, như: cần tăng cường nguồn kinh phí, thiết bị kỹ thuật cho công tác quản lý, kiểm soát ATVSTP thường xuyên; Thống nhất về cơ chế quản lý và trách nhiệm của từng ngành cụ thể, trong đó xác định rõ vai trò cơ quan chủ trì; tăng cường tuyên truyền về Luật ATVSTP sâu rộng hơn và xác định rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc quản lý ATVSTP, xác định roc trách nhiệm của các cá nhân trong chấp hành Luật ATVSTP...