Theo báo cáo nhanh của Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) tỉnh, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trong ngày 16 và 17, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, có nơi mưa to, gây những thiệt hại nhất định về người, tài sản và hoa màu. Lượng mưa đo được trong 12 giờ qua tại các trạm đo mưa trên địa bàn tỉnh phổ biến trong khoảng 40 - 96mm.
Tính đến 16 giờ ngày 17-9, trên địa bàn tỉnh ghi nhận một trường hợp mất tích là chị Nguyễn Thị Nhung, sinh năm 1968, trú tại tổ 22, phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên). Gia đình nạn nhân cho biết: Khoảng 6 giờ sáng ngày 17-9, chị Nhung đi cùng chị Hương trú tại phường Hương Sơn về Phúc Thuận có việc riêng. Đến khoảng hơn 8 giờ sáng gia đình nhận được tin báo chị Nhung gặp nạn. Khoảng 7 giờ sáng, anh Nguyễn Văn Hiệp, xóm Tân Ấp 1, xã Phúc Thuận đi giao hàng qua khu vực đập tràn Tân Ấp thì thấy 2 người phụ nữ và một chiếc xe mô tô bị nước cuốn trôi xuống đập. Ngay lập tức anh lao theo và cứu được chị Hương. Nhận được tin báo, lãnh đạo huyện Phổ Yên và xã Phúc Thuận đã kịp thời có mặt chỉ đạo lực lượng dân quân, công an xã phối hợp với thợ lặn tìm kiếm nạn nhân. Nhưng do trời mưa, nước chảy mạnh nên đến cuối giờ chiều cùng ngày vẫn chưa tìm thấy nạn nhân.
Về tài sản và hoa màu, theo Ban Chỉ huy PCLB tỉnh thì có ít nhất 2 điểm trường và 3 nhà bị tốc mái, hư hỏng, 4 cột điện bị đổ; có hàng nghìn ha ngô và lúa bị đổ, 0,5ha chuối và khoảng 200 cây keo bị gẫy...
Tại huyện Võ Nhai, theo thống kê sơ bộ, mưa bão đã làm trên 160ha lúa, hoa màu bị gãy đổ; 9 phòng học và nhà công vụ giáo viên tại điểm trường Đồng Đình và phân trường Na Cà thuộc Trường Tiểu học xã Vũ Chấn bị tốc mái. Ngoài ra, mưa bão đã gây sạt lở khoảng 50m3 đất đá tại khu vực xóm Cổ Rồng, thị trấn Đình Cả, khiến 1 hộ gia đình nằm trong khu vực ảnh hưởng phải di dời đến nơi an toàn…
Đối với huyện Phú Lương, có khoảng 100 ha lúa mùa bị đổ rạp, tập trung nhiều ở các xã: Phấn Mễ, Sơn Cẩm, Cổ Lũng… Ngoài ra, trong tối 16-9, gió giật mạnh đã làm đổ nhà bếp của gia đình ông Vũ Văn Minh, xóm Đồng Bòng, xã Yên Lạc khi gia đình này đang sao chè, ước tính thiệt hại khoảng 21 triệu đồng.
Còn tại huyện Phú Bình, theo số liệu thống kê sơ bộ, toàn huyện có gần 800ha lúa mùa sớm đang vào hạt và hoa màu bị gãy gập, trong đó diện tích lúa là 729ha, hoa màu là 63,5ha. Trong 21 xã, thị trấn của huyện thì Thượng Đình là xã có diện tích lúa mùa bị gãy đổ nhiều nhất, khoảng 316ha, tiếp đến là xã Tân Đức, khoảng 200ha. Ngoài ra còn có 200 cây keo và 4 cột điện tại xã Tân Thành bị đổ…
Ngoài một trường hợp mất tích, huyện Phổ Yên còn ghi nhận có gần 700ha lúa mùa sớm chưa thu hoạch đã bị đổ rạp, tập trung ở các xã: Tân Phú, Phúc Thuận, Minh Đức… Tại khu vực Trạm bơm tiêu úng Cống Táo, chiều 17-9 mực nước vẫn ở mức an toàn, cống vẫn trong trạng thái mở, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bơm tiêu úng.
Tại các địa phương, ngay khi chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, Ban Chỉ huy PCLB cấp huyện đã tập trung chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp khắc phục. Cụ thể, đã hướng dẫn bà con nông dân cách rút nước nhanh nhất ra khỏi chân ruộng bị ngập, buộc và dựng lại những diện tích lúa bị đổ. Những diện tích lúa có thể thu hoạch thì chỉ đạo bà con khẩn trương gặt ngay khi trời tạnh với quan điểm "xanh nhà hơn già đồng", tránh ảnh hưởng đến năng suất. Đồng thời, triển khai nhiệm vụ cảnh báo và sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở núi, vỡ hồ đập, đặc biệt là ở các xã ven sông Cầu và sông Công; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; đảm bảo chủ động trong sinh hoạt và sản xuất, tránh các thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Theo đánh giá của Ban Chỉ huy PCLB tỉnh, bước đầu cho thấy những thiệt hại tương đối nhẹ so với mức độ nguy hiểm của cơn bão số 3. Điều đó một phần do tỉnh và các địa phương đã chủ động trong công tác phòng, chống bão. Ngay từ ngày 15-9, công tác ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão đã được các địa phương chú trọng. Các huyện, thành, thị đã thông báo kịp thời diễn biến của cơn bão trên hệ thống truyền thanh đến nhân dân; tổ chức hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và người dân chủ động chằng chống nhà cửa, các công trình công cộng, kho tàng, bệnh viện, trường học, chặt tỉa cành cây. Ngành Giao thông - Vận tải bố trí lực lượng rà soát tất cả các vị trí cầu tràn qua suối, phối hợp với chính quyền địa phương cảnh báo các nguy cơ mất an toàn...
Chiều 17-9, thông tin với chúng tôi qua điện thoại, ông Bùi Tiến Chính, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB tỉnh cho biết: Ngày 18-9, nhiều khả năng nước sông Cầu, sông Công đoạn qua địa phận tỉnh ta sẽ dâng cao do nước từ thượng nguồn dồn về. Bởi vậy, đề nghị các địa phương, đơn vị và người dân cần tiếp tục đề phòng, nâng cao cảnh giác, chủ động có phương án phòng, chống hiệu quả, tránh để xảy ra những trường hợp đáng tiếc.