Để giảm nghèo bền vững

16:05, 26/10/2014

Đã thành thông lệ, hằng năm, cứ vào dịp Ngày Vì người nghèo (17/10), những người làm chính sách lại lật giở "hồ sơ giảm nghèo" để rồi… vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì người nghèo ngày càng được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nhưng lại lo vì số hộ tái nghèo và hộ nghèo mới tăng cao. Ngay trong buổi tọa đàm báo chí mới đây được tổ chức tại Hà Nội về "Định hướng giảm nghèo bền vững đến năm 2020", chúng ta không khỏi băn khoăn với thực tế: Cứ 3 hộ thoát nghèo thì lại có 1 hộ tái nghèo.  

Những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước đã giảm từ 22% năm 2005 xuống còn 9,45% năm 2010 và đến năm 2013 còn khoảng 9,6% theo chuẩn mới. Trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo tính đến năm 2013 còn 11,6%. Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội đã được các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân tích cực hưởng ứng. Chỉ tính riêng trong năm 2013 và 9 tháng đầu năm 2014, từ nguồn quỹ “Vì người nghèo” cùng với sự đầu tư của chính quyền các cấp và sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng, tỉnh đã phối hợp hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 296 nhà ở cho hộ nghèo, giúp đỡ vốn sản xuất cho 1.239 hộ nghèo, khám và cấp thuốc miễn phí cho hơn 8.200 lượt người, hỗ trợ 6.430 học sinh nghèo…

 

Phải thừa nhận, người nghèo đã được hệ thống chính sách giảm nghèo nâng đỡ, được nương tựa vào các chương trình giảm nghèo để ổn định cuộc sống và thoát nghèo. Cùng với các chính sách giảm nghèo là hoạt động tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều" trong toàn xã hội đã trở thành phong trào quần chúng rộng khắp, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. Những việc làm đó rất đáng trân trọng trong bối cảnh nền kinh tế đang đối diện với không ít khó khăn.

 

Bên cạnh những nỗ lực nêu trên, thực chất công cuộc xóa đói giảm nghèo đang đứng trước nhiều bất cập, thách thức. Kết quả giảm nghèo vẫn chưa vững chắc; chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn hơn 50%, cá biệt có nơi còn từ 60 đến 70%. Tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước. Các chính sách giảm nghèo nhiều nhưng vẫn còn chồng chéo, trùng lắp, dẫn đến nguồn lực bị phân tán, hiệu quả tác động đến đối tượng thụ hưởng chưa cao. Việc chậm hướng dẫn, sửa đổi, điều chỉnh một số chính sách đã gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình tổ chức, thực hiện.

 

Ðể giúp người nghèo, hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo, Nhà nước đã ban hành nhóm chính sách về việc làm, tăng thu nhập, như cho vay vốn tín dụng ưu đãi, dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ phát triển sản xuất... Tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, nhà ở... Song mức hỗ trợ còn thấp, chưa đủ mạnh để thúc đẩy hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Việc có quá nhiều chính sách hỗ trợ mang tính chất "cho không" như: hỗ trợ về gạo, dầu hỏa thắp sáng, cấp tiền điện, vật nuôi, con giống... đã làm tăng tính ỷ lại, không muốn thoát nghèo của một bộ phận người nghèo. Thực tế, không ít nơi vẫn xảy ra tình trạng bình xét "luân phiên" hộ nghèo, muốn lọt vào danh sách hộ nghèo phải được sự "ưu ái" của cán bộ xã, phường, chưa đảm bảo sự công bằng, nghiêm túc.

 

Mới đây, Chính phủ đã quyết định giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng Ðề án tổng thể về đổi mới phương pháp tiếp cận nghèo đói ở Việt Nam từ đơn chiều sang đa chiều. Việc thay đổi cách tiếp cận, vấn đề nghèo đói sẽ được xác định toàn diện và cụ thể hơn và được coi là một trong những bước tạo đột phá về giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 của nước ta.

 

Thời gian tới, toàn bộ hệ thống chính sách giảm nghèo sẽ được tổng rà soát lại. Chính sách nào không phù hợp sẽ được loại bỏ. Các chính sách cần thiết kế lại cho hợp lý để các địa phương có thể thực hiện và bố trí nguồn lực một cách hiệu quả. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ trực tiếp "cho không" sẽ giảm dần, tập trung ưu tiên thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới; khuyến khích tính chủ động và ý thức tự vươn lên thoát nghèo của người nghèo; có các chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để bảo đảm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Các chính sách và nguồn lực phải được công khai, minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ để việc hỗ trợ đúng đối tượng và hiệu quả.

 

Để người nghèo có điều kiện vươn lên thay đổi cuộc sống bằng chính khả năng sẵn có của bản thân, những người làm chế độ chính sách cần căn cứ vào tình hình cụ thể của mỗi địa phương, mỗi người nghèo, mỗi hộ nghèo để có phương án hỗ trợ phù hợp; "cầm tay chỉ việc", theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình vươn lên thoát nghèo của họ. Làm sao để nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của các cấp, các ngành và toàn xã hội đến đúng đối tượng, không thất thoát hoặc "nhầm địa chỉ"; đồng thời động viên, khích lệ tiềm năng trong bản thân từng người, từng hộ nghèo được khai thác, phát huy triệt để. Chỉ có như vậy, công tác xóa đói giảm nghèo mới có thể đạt hiệu quả cao, giúp người nghèo thoát nghèo bền vững./.