Gần 20 tỷ đồng cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn

14:34, 30/10/2014

Kết thúc đợt giám sát việc thực hiện chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn (DTTS ĐBKK) theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 126/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30-10, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên.

Theo số liệu từ NHCSXH tỉnh, toàn tỉnh hiện có 99/180 xã thuộc vùng khó khăn. Tính đến cuối năm 2013, tổng số hộ DTTS trên địa bàn là 18.899/304.867 hộ, chiếm 6,1%, trong đó, hộ DTTS ĐBKK chiếm 32,4% hộ DTTS. Thực hiện các Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 30-9-2014, tổng nguồn vốn cho vay của NHCSXH tỉnh trên địa bàn là 19,9 tỷ đồng đồng, với 3.601 lượt hộ vay; số dư nợ còn là 11,9 tỷ đồng, của 1.864 hộ. Trong số này, có 1 hộ được xóa nợ 5 triệu đồng; số nợ quá hạn là 102 triệu đồng, nợ khoanh là 5 triệu đồng (vay theo Quyết định số 32). Nhìn chung, các hộ sau khi vay vốn (theo Quyết định số 32 là 5 triệu đồng/hộ; theo Quyết định số 54 là 8 triệu đồng/hộ) cơ bản đều sử dụng đúng mục đích, chủ yếu là đầu tư vào chăn nuôi lợn, trâu, bò và trồng chè, rừng, từng bước giúp ổn định cuộc sống. Đã có 1.096/2.661 hộ vay theo Quyết định số 32 thoát khỏi danh sách hộ ĐBKK, chiếm 42%. Tuy nhiên, do mức vay không nhiều nên hiệu quả mang lại chưa cao và thực sự rõ rệt. Đối với Quyết định số 54 do mới triển khai cho vay năm 2014 nên chưa đánh giá được hiệu quả mang lại. Quyết định số 54 chính là bước nối tiếp của Quyết định số 32, đã khắc phục được một số hạn chế trước đó. Theo Quyết định số 54, lãi suất cho vay là 0,1%/tháng. Tuy nhiên, do Trung ương và địa phương chưa cân đối được nguồn vốn nên hiện mới có 7,6% số hộ có nhu cầu và được phê duyệt cho vay được đáp ứng về vốn.

 

Từ những kết quả đạt được, cùng những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các Quyết định trên, NHCSXH tỉnh đề nghị: Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện việc cho vay đối với hộ đồng bào DTTS ĐBKK, với mức vay cao hơn; việc ban hành chính sách phải đi đôi với việc cân đối nguồn lực về tài chính. Đối với tỉnh, việc cân đối nguồn vốn chuyển cho NHCSXH phải được ghi vào Nghị quyết HĐND các cấp để làm căn cứ cho các cơ quan chức năng thực hiện; chỉ đạo UBND cấp huyện và các cơ quan chức năng hàng năm kịp thời rà soát để bổ sung, đưa ra khỏi danh sách hộ DTTS ĐBKK theo Quyết định số 54 để NHCSXH làm căn cứ cho vay; tăng cường công tác chỉ đạo hoạt động và kiểm tra, giám sát đối với Ban đại diện hội đồng quản trị, NHCSXH, các hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp trong việc thực hiện chính sách.

 

Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn đã làm rõ một số khó khăn, thuận lợi cùng những hạn chế trong việc thực hiện các Quyết định tại 2 huyện Đại Từ và Định Hóa trong quá trình thực hiện giám sát và khảo sát tận hộ vay. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các thành viên tham gia giám sát cũng như của người dân, HĐND tỉnh sẽ đưa ra đề xuất, kiến nghị với Trung ương, tỉnh những giải pháp chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả, nhằm đáp ứng mục tiêu theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.