Tiếp tục nâng cao chỉ số cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công

09:42, 25/10/2014

Ngày 24-10, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC), nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh (PAPI) của tỉnh đã tổ chức Hội nghị xây dựng chương trình, kế hoạch nâng cao chỉ số CCHC và chỉ số PAPI của tỉnh. Đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC, nâng cao chỉ số PAPI chủ trì Hội nghị.

Năm 2013, chỉ số CCHC của tỉnh đứng thứ 38/63 tỉnh, thành phố; chỉ số PAPI (chưa có trọng số) đứng thứ 23/63 tỉnh, thành phố. Kết quả khảo sát cho thấy, Thái Nguyên đã có những cải cách, thực hiện tốt công tác CCHC, đơn giản hóa thủ tục hành chính, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, Ban Chỉ đạo CCHC, nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh đã xây dựng dự thảo kế hoạch, chương trình, quy định cụ thể về quy chế hoạt động nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số CCHC, chỉ số PAPI một cách bền vững để đáp ứng, phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Ban Chỉ đạo sẽ xây dựng Quyết định ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; chương trình nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công, cải thiện chỉ số PAPI và kế hoạch CCHC cấp tỉnh (PAR INDEX) với những nội dung cụ thể như: quy định trách nhiệm, nhiệm vụ, chế độ làm việc và quyền hạn của Ban Chỉ đạo, thành viên Ban Chỉ đạo; các giải pháp nâng cao chỉ số PAPI; tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch…

 

Tại Hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tham gia nhiều ý kiến, trong đó tập trung vào kinh nghiệm trong CCHC ở một số đơn vị, địa phương; các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công các cấp, gồm: đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai, phòng, chống tham nhũng, dân chủ ở cơ sở để người dân biết và thực hiện; lãnh đạo các địa phương tăng cường đối thoại với nhân dân; nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận "một cửa”, nhất là ở cấp xã; nâng cao chất lượng dịch vụ công; phát huy vai trò của người dân tham gia xây dựng chính quyền; đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng…

 

Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Dương Ngọc Long đề nghị trong thời gian tới, các cấp, ngành của tỉnh cần triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh đã ban hành; tập trung thực hiện tốt các giải pháp đẩy mạnh CCHC, như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; đổi mới cơ chế, chính sách trong công tác tuyển dụng công chức; kiểm tra thường xuyên công tác CCHC, nâng cao chỉ số PAPI; đặc biệt quan tâm giám sát việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; quan tâm, bố trí kinh phí thực hiện Đề án CCHC; đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công vụ. Đồng thời, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò giám sát của nhân dân; công khai, minh bạch về hoạt động công vụ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để triển khai đến tất cả các tầng lớp nhân dân về những chính sách, kế hoạch, chương trình hoạt động của tỉnh…