Trên 122 tỷ đồng thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội các xóm bản đặc biệt khó khăn

14:59, 01/10/2014

Ngày 1-10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”. Đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì (ảnh). 

Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 26 xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống với 2.189 hộ, 10.067 nhân khẩu. Trong đó, 1.194 hộ nghèo, chiếm 54,55%. Các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống đều nằm cách xa khu trung tâm xã, địa hình phức tạp, chia cắt thành từng vùng riêng biệt, đời sống vẫn còn rất nhiều khó khăn. Hiện mới chỉ có 15/26 xóm, bản đặc biệt khó khăn có điện lưới Quốc gia với 1.066 hộ/2.198 hộ được sử dụng điện, đạt 45%. Bên cạnh đó, các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: giao thông, trường học, nhà văn hóa… vẫn còn rất khó khăn và thiếu thốn…

 

Nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về sản xuất, đời sống và nâng cao thu nhập, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các dân tộc, ngày 16-9-2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2037/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020. Đề án sẽ được thực hiện trong 2 giai đoạn: 2014-2015 và 2016-2020, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 122,6 tỷ đồng. Trong đó: 47,1 tỷ đồng dành cho việc hỗ trợ phát triển sản xuất; 75,5 tỷ đồng dành cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu… 

 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo kế hoạch triển khai thực Đề án. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề như: Phân công nhiệm vụ cho thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Đề án và các sở, ngành liên quan; giải pháp huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước để thực hiện Đề án; Việc lựa chọn nhà thầu thi công các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho đồng bào Mông tại các xóm, bản đặc biệt khó khăn…

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Đặng Viết Thuần khẳng định: Đây là Đề án có tính khả thi rất cao. Việc triển khai thực hiện Đề án có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần giảm dần khoảng cách chênh lệnh về mức sống giữa đồng bào Mông với các các dân tộc khác trong vùng, hướng tới sự phát triển bền vững, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn… Vì vậy, các sở, nghành có liên quan và UBND các huyện được thụ hưởng Đề án phải xác định rõ trách nhiệm của mình, xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện Đề án một cách đồng bộ, nghiêm túc và hiệu quả.