Đây là quyết tâm của ngành ngân hàng trong những tháng cuối năm. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ đáp ứng đủ vốn cho mọi đối tượng doanh nghiệp (DN) nếu có phương án kinh doanh hiệu quả và khả năng trả nợ. Bên cạnh những gói tín dụng dành riêng cho các ngành hàng thì việc kết nối với DN cũng đang được các ngân hàng đẩy mạnh.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đều đã triển khai nhiều gói cho vay ưu đãi, lãi xuất thấp dành cho các DN thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm góp phần hỗ trợ các DN tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề tiếp tục phát triển. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm và đảm bảo nguồn vốn cho DN, các ngân hàng đang tiếp tục đẩy mạnh ký kết hợp đồng tín dụng hỗ trợ vay vốn ưu đãi, chương trình kết nối ngân hàng - DN. Cho vay tín chấp và không hạn chế quy mô của DN cũng là định hướng chính được NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện thời gian qua. Bên cạnh việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng quy trình thu thập thông tin, xếp hạng tín nhiệm của DN, có thể thu thập thông tin từ các tổ chức như Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC), các tổ chức đánh giá tín nhiệm DN, NHNN còn chỉ đạo các ngân hàng thương mại có cơ chế xếp hạng tín dụng nội bộ để nâng cao khả năng thẩm định các dự án, từ đó tăng cường cho vay tín chấp không cần đảm bảo bằng tài sản.
Lãnh đạo NHNN cũng đã khẳng định: Với mong mỏi nguồn vốn đến được với DN và người dân, chúng tôi sẽ luôn lắng nghe những chia sẻ và quyết tâm khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế. Thực tế, NHNN đã triển khai một giải pháp rất hữu hiệu là thông qua chương trình kết nối ngân hàng - DN để các tổ chức tín dụng mạnh dạn cho vay tín chấp. Khi cho vay, hệ thống ngân hàng không phân biệt DN nhỏ hay lớn mà quan trọng là DN có phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hiệu quả và khả năng trả nợ cũng như đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật.
Trên địa bàn tỉnh, hầu hết các chế độ, chính sách cho vay ưu đãi, kết nối giữa DN với ngân hàng đều được triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh để phát triển. Vừa qua, các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi cũng như lãi xuất cho vay, song áp lực cạnh tranh huy động vốn ngày một khó. Thực chất, những nỗ lực của các ngân hàng vẫn chưa thực sự bắt nhịp được với nhu cầu vay vốn của DN. Khảo sát mới đây vừa được công bố từ các cơ quan truyền thông cho thấy, có tới 75% DN không có nhu cầu vay vốn. Điều này đã phản ánh một thực tế hiện nay là sức hấp thụ vốn của DN còn yếu.
Thời gian tới, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu phục hồi một cách ổn định, dẫn đến hoạt động kinh doanh của hầu hết các ngành nghề, DN gặp nhiều khó khăn. Tỷ suất sinh lời cho các dự án kinh doanh ở mức thấp hoặc chỉ có thể hòa vốn. Mới đây, thảo luận về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), đa số đại biểu Quốc hội đã nhận định: Những lĩnh vực quan trọng đã được công khai, minh bạch nhưng cần tiếp tục rà soát, giảm thiểu thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN, tránh tình trạng "xin - cho". Song, để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, nhất là DN vừa và nhỏ trong tiếp cận vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, thiết nghĩ, các ngân hàng cần đẩy mạnh hơn nữa cho vay tín chấp trên cơ sở đánh giá tín nhiệm DN.
Và một trong những kênh tín dụng hỗ trợ tích cực đối với tăng trưởng kinh tế là tín dụng nông nghiệp - nông thôn cũng đã được ngành ngân hàng đẩy mạnh như cho vay chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, cho vay theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản…. Các ngân hàng cũng cần mạnh tay hơn trong việc đưa vốn ra thị trường kèm nhiều chính sách ưu đãi, đẩy mạnh cho vay không giới hạn quy mô, mà tất cả phụ thuộc vào phương án kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng. Chỉ có như vậy, dòng vốn mới có thể lưu thông tốt hơn trong dịp cuối năm./.
Theo kết quả rà soát, hiện có 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 391 văn bản pháp luật. Sau khi xem xét, cân nhắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị thu hẹp lại còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và 272 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Điều kiện đầu tư kinh doanh cụ thể đối với các ngành, nghề này được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và được công bố công khai. Các đại biểu Quốc hội đều đánh giá đây là điểm tiến bộ vượt bậc so với trước đây. Người dân, DN có thể chủ động lựa chọn ngành, nghề có lợi thế, giảm thiểu các thủ tục hành chính dẫn đến việc "xin - cho" như trước đây.