Quản lý và khai thác khoáng sản

17:16, 05/11/2014

Theo kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay trên địa bàn cả nước đã phát hiện được hơn 5.000 mỏ và điểm quặng với hơn 60 loại khoáng sản khác nhau. Tiềm năng tài nguyên khoáng sản nước ta ở mức trung bình, trong đó một số loại đủ điều kiện để tổ chức khai thác, chế biến quy mô công nghiệp như: bô-xít, ti-tan, đất hiếm... Song khoáng sản ở nước ta đang đối mặt với tình trạng khai thác bừa bãi, gây suy thoái môi trường, làm mất cân bằng sinh thái ở nhiều nơi.

Trên địa bàn tỉnh, hiện nay có 79 tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản với 170 giấy phép các loại, trong đó có 22 giấy phép do bộ, ngành Trung ương cấp, 148 giấy phép do tỉnh cấp. Hoạt động khai thác khoáng sản đã đóng góp tích cực vào ngân sách của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2012 và 2013, các đơn vị khai thác khoáng sản đã nộp ngân sách trên 740 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tốt chính sách bảo hộ quyền lợi của nhân dân nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến thông qua việc tuyển dụng lao động tại địa phương; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo và từ thiện, ủng hộ các hoạt động lớn của tỉnh. Tính đến nay, các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản đã sử dụng trên 6.000 lao động, hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng hàng chục tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, tình trạng khai thác trái phép khoáng sản vẫn tái diễn. Một số doanh nghiệp vẫn lén lút buôn bán, khai thác, vận chuyển trái phép khoáng sản gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách. Một số đơn vị không thực hiện đúng quy trình khai thác, mất an toàn lao động gây ô nhiễm môi trường. Theo khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường tại các mỏ khoáng sản, nhiều doanh nghiệp sử dụng thiết bị khai thác lạc hậu, chưa đồng bộ nên hiệu quả khai thác, chế biến thấp; việc đầu tư thực hiện biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường còn hạn chế. Nguồn gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến môi trường chủ yếu là nước thải (từ việc tháo khô moong khai thác, nước cuốn trôi bề mặt qua khu vực khai thác, khu vực bãi thải và nước thải từ quá trình tuyển rửa quặng); bụi, khí thải (từ các hoạt động vận chuyển, xúc bốc, khoan nổ mìn); các sự cố do trượt lở, trôi lấp bãi thải; mất nước, sụt lún, nứt đất, nhà cửa và các công trình xây dựng do hạ thấp mực nước ngầm... Mỏ Núi Pháo ở Đại Từ đi vào hoạt động được hơn một năm, song qua các đợt kiểm tra về môi trường cho thấy việc xả thải của nhà máy ra môi trường có hàm lượng các kim loại như thủy ngân, cyanua, đồng vượt quá mức cho phép nhiều lần dẫn tới khiếu kiện kéo dài của một số hộ dân sinh sống gần đó. Công ty trách nhiệm hữu hạn Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo chưa có hồ sơ quy trình quản lý, vận hành bãi thải.

 

Mặc dù chúng ta đã có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, nhưng vẫn tồn tại một khoảng cách nhất định giữa các quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý. Việc lập quy hoạch, kế hoạch, quyết định đầu tư dự án chưa tính toán cụ thể đến các chi phí, lợi ích về mặt xã hội và môi trường. Việc phân cấp cho các địa phương trong cấp phép, quản lý khai thác, chế biến khoáng sản, bảo vệ môi trường đã được tiến hành nhưng chưa được thanh tra, kiểm tra kịp thời.

 

Khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản một cách hợp lý và bền vững là trách nhiệm không chỉ đối với hiện tại mà còn đối với cả tương lai của đất nước. Tỉnh ta là một trong những tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng về chủng loại, trong đó có một số loại khoáng sản có ý nghĩa đối với cả nước như: vonfram đa kim, sắt, than… nhưng tổng thu ngân sách từ khoáng sản vẫn thấp. Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng tăng cường tổ chức kiểm tra nhằm ngăn chặn, truy quét, giải tỏa các hoạt động khai thác trái phép trên địa bàn. Một số điểm “nóng” như khai thác vàng trái phép ở Võ Nhai, quặng chì kẽm Đồng Hỷ… sau khi giải tỏa tỉnh đã chỉ đạo kiện toàn công tác quản lý và duy trì các tổ chốt bảo vệ.

 

Mùa khô đang đến, cũng là thời điểm thường xảy ra khai thác khoáng sản trái phép. Để việc quản lý hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đi vào ổn định, đảm bảo hiệu quả, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các sở, ngành, chính quyền và các đoàn thể quần chúng nhân dân địa phương. Chính quyền các cấp cần quan tâm nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm nhiệm vụ thuộc lĩnh vực này, đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn, chú trọng thu đúng, thu đủ các loại thuế, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Ðồng thời, thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tài nguyên và tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch trong khai thác, chế biến khoáng sản.

 

Theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2008 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện 6.200 vụ vi phạm pháp luật về khai thác tài nguyên khoáng sản, trong đó chủ yếu là lĩnh vực khai thác vàng, bạc, vật liệu xây dựng... Ðáng chú ý, qua rà soát 957 giấy phép (từ năm 2011 đến 2012) do địa phương cấp, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm như: Cấp phép khi không có đăng ký kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản; cấp phép thăm dò không thông qua hình thức lựa chọn tổ chức, cá nhân, không đấu giá quyền khai thác; cấp phép khai thác khi hồ sơ không có dự án đầu tư khoáng sản; cấp phép khi chưa có quy hoạch được cơ quan thẩm quyền phê duyệt...