Thứ 6, 24/01/2025, 13:41

Bác sĩ phẫu thuật không dao kéo

17:00, 25/02/2015

Những năm gần đây, Bệnh viện C được biết đến là một trong những trung tâm hàng đầu điều trị bệnh ung bướu với dao gamma quay thế hệ thứ 5 - là thiết bị hiện đại xạ phẫu điều trị (xạ trị) cho bệnh nhân ung thư và bệnh nhân mắc các khối u trên cơ thể.

Đằng sau thành công này là sự đóng góp không nhỏ của tập thể khoa Ung bướu, trong đó có thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Trường - người trực tiếp vận hành dao gamma quay xạ trị cho bệnh nhân.

 

Từ đầu năm 2011, được sự giúp đỡ của các bệnh viện đầu ngành và chuyên gia nước ngoài, Bệnh viện C Thái Nguyên đã tiến hành xạ trị cho các bệnh nhân bị các khối u sọ não. Thạc sĩ Phạm Văn Trường là người được giao trực tiếp tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia nước ngoài và trong nước để vận hành hệ thống xạ trị bằng dao gamma thế hệ thứ 5 hiện đại. Thời gian ban đầu, hệ thống xạ trị bằng dao gamma thế hệ thứ 5 của Bệnh viện C chỉ được cấp phép điều trị vùng đầu với kỹ thuật chủ yếu là điều trị u não.

 

Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Phạm Văn Trường cho biết: Phẫu thuật u não thông thường là một trong những phẫu thuật khó và phức tạp có tỷ lệ biến chứng, tử vong cao. Đối với u ác tính tỷ lệ tái phát cao, các bệnh nhân có nhiều khối u, u di căn lên não, các khối u nằm sâu hoặc có vị trí nguy hiểm trong não thì phẫu thuật càng khó khăn, phức tạp và tỷ lệ tử vong cao hơn. Phẫu thuật bằng dao gamma giống như phẫu thuật cắt bỏ thông thường nhưng không phải bằng dao kéo mà dùng chùm tia gamma rất mảnh, có năng lượng cao để đưa vào tiêu diệt khối u trong não, đạt được hiệu quả điều trị cao nhất với mô bệnh mà ảnh hưởng cho mô lành lại thấp. Với hệ thống xạ trị bằng dao gamma, chúng tôi dùng nhiều tia gamma xuất phát từ các vị trí khác nhau xung quanh hộp sọ để phá hủy và tiêu diệt khối u mà không cần mổ mở hộp sọ. So với các phương pháp phẫu thuật khác, phẫu thuật bằng dao gamma an toàn, hiệu quả, ít biến chứng và không có tử vong; chỉ định điều trị rộng rãi, ngay cả các bệnh nhân không thể mổ hở; không phải gây mê, bệnh nhân vẫn tỉnh táo hoàn toàn trong quá trình phẫu thuật; không đau, không có nguy cơ nhiễm trùng; không có vết mổ, không có sẹo…

 

Mỗi khối u khác nhau thì có tính chất khác nhau nên cán bộ trực tiếp vận hành thiết bị dao gamma phải căn cứ trên kết quả chẩn đoán hình ảnh và giải phẫu bệnh để định vị và định lượng cụ thể lượng xạ trị. Nếu không có kinh nghiệm, kỹ thuật cao và kỹ năng thành thạo khi xạ trị với liều lượng thấp thì sẽ không đủ tiêu diệt khối u, ngược lại khi xạ trị với liều lượng cao có thể làm làm tổn thương các mô lành xung quanh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí khiến bệnh nhân tử vong. Để vận hành hệ thống dao gamma đạt hiệu quả cao, anh Trường đã dành nhiều thời gian học tập từ các chuyên gia, nghiên cứu các tài liệu trong và ngoài nước để hoàn thiện kỹ thuật, kỹ năng. Đến nay, sau gần 4 năm triển khai, anh và đồng nghiệp đã vận hành hệ thống dao gamma xạ trị cho trên 80 lượt bệnh nhân mắc u não.

 

Bệnh nhân Nguyễn Văn Hồi, 52 tuổi ở xã Nga My (Phú Bình) bị mắc bệnh u não và là người được bác sĩ Phạm Văn Trường trực tiếp xạ trị lần đầu tại Bệnh viện C vào cuối năm 2012. Sau hơn 2 năm ổn định sức khỏe, bệnh nhân bị tái phát u não và phải nhập viện tiếp tục xạ trị bằng dao gamma quay. Ông cho biết: Tôi chọn xạ phẫu tại đây không chỉ vì trang thiết bị hiện đại mà còn bởi vì tôi tin tưởng vào trình độ chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh của bác sĩ Trường và ê kíp.

 

Từ thành công của bác sĩ Phạm Văn Trường và các đồng nghiệp, tháng 2-2014, Bộ Y tế đã có quyết định bổ sung danh mục kỹ thuật xạ phẫu điều trị các khối u bằng dao gamma thế hệ 5 cho Bệnh viện C bao gồm kỹ thuật điều trị hoặc điều trị giảm nhẹ một số trường hợp của các bệnh lý như: ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư thực quản, ung thư trung thất và ung thư xương do di căn.... Với quyết định mang tính chất “mở cửa” này, bác sĩ Trường và đồng nghiệp tiếp tục vận dụng thành công dao gamma xạ trị thành công cho trên 30 bệnh nhân mắc ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư thực quản... Thành công này không chỉ tạo điều kiện cho người bệnh trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao mà còn giúp người bệnh điều trị với chi phí hợp lý ở ngay tại bệnh viện tuyến tỉnh.

 

Trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Văn Khương, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện C cho biết: Dao gamma thế hệ thứ 5 tại Bệnh viện C là 1 trong 4 chiếc máy hiện đại nhất nước ta hiện nay. Ưu điểm của dao gamma thế hệ thứ 5 là tích hợp xạ trị cả vùng não và vùng thân của người bệnh. Nói về bác sĩ Phạm Văn Trường, bác sĩ Khương cho biết: Do điều kiện nhân lực còn hạn chế, mỗi bác sĩ công tác tại Khoa Ung bướu đều phải đảm đương nhiều phần việc như: phẫu thuật, sử dụng hóa chất điều trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ. Riêng bác sĩ Trường, ngoài những phần việc trên còn đảm nhiệm chuyên trách xạ trị gamma quay cho bệnh nhân. Đây là trách nhiệm nặng nề đòi hỏi người cán bộ phải chuyên tâm với nghề đồng thời không ngừng học hỏi, hoàn thiện kỹ năng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người bệnh trong xạ trị. Mặc dù vậy, bác sĩ Trường đã khắc phục khó khăn để làm chủ kỹ thuật. Chúng tôi đánh giá cao và ghi nhận nỗ lực của anh Trường trong việc hoàn thiện và phát triển kỹ thuật xạ phẫu điều trị bằng dao gamma thế hệ thứ 5. Ngoài ra, bác sĩ Trường còn có tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh nhiệt tình, được người bệnh tin tưởng, quý mến. Bác sĩ Trường đã góp phần tích cực để đưa Khoa Ung bướu và Bệnh viên C lên vị thế hàng đầu trong lĩnh vực điều trị ung bướu trong khu vực.