Mỗi năm hoa đào nở Lại thấy ông đồ già Bày mực tàu giấy đỏ Bên phố đông người qua…
Những câu trong bài thơ “Ông đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên viết cách đây đã 70 năm luôn trở về khe khẽ trong tôi, nhất là mỗi khi Tết đến. Trong cái rét dìu dịu, trong hương trầm quyến luyến, lòng tôi se se nghĩ đến manh áo chùng thâm, gương mặt gầy gò mà đôn hậu, đôi mắt phảng phất buồn của ông đồ trước cảnh “Giấy đỏ buồn không thắm/Mực đọng trong nghiên sầu”…
Tay mềm, bút sắc
Có lẽ vì yêu bài thơ này mà tôi thường xúc cảm trước những “ông đồ” ngày nay. Cũng guốc mộc, áo the, đầu đội khăn xếp, hí húi mài mực tàu, vung tay phóng nét tài hoa trên giấy hồng đào. Họ như liều thuốc bổ cho tâm hồn người ưa hoài niệm như tôi, khiến thấy họ Tết và xuân với tôi mới thật đủ đầy.
Hỏi thăm mãi, tôi cũng tìm đến được một “ông đồ” viết chữ Nho như thế - ông Lê Mạnh Đạt. Ở nhà tận cùng trong ngõ tổ 5 (phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên), ông Đạt là “người quen” tôi đã gặp trong các dịp cho chữ đầu xuân ở Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, ở ATK Định Hóa, ở lễ hội chùa Hang. Ấn tượng hơn, Lễ hội Nguyên tiêu Giáp Ngọ vừa qua, ông đã trổ tài vẽ xong bức chân dung Bác Hồ chỉ trong thời gian đọc xong 4 câu thơ của bài thơ “Rằm tháng Giêng”.
Ông Đạt trạc tuổi “ông đồ” của Vũ Đình Liên ngày ấy. Chỉ khác ông chưa từng dạy học và đến với chữ Nho bằng niềm yêu thích của riêng mình.
Sinh năm 1953 tại Vụ Bản (Nam Định), ông Đạt có cơ may được tiếp xúc với giáo lý của Phật và phép tắc nhà Chùa, làm quen với chữ Hán từ nhỏ. Như nhiều học sinh thời đó, ông thích học tiếng Nga, nhưng rồi vẻ đẹp của tiếng Trung mê hoặc ông lúc nào không biết, để rồi thứ chữ tượng hình ấy đã theo ông như nghiệp đời.
Trang trọng đặt lên bàn tờ giấy lụa hồng đào, ông nhẩn nha mài mực, chọn bút, vén tay áo viết tặng tôi một chữ “Phúc”. Ông bảo: - Có đến 100 chữ Phúc, chọn chữ nào là còn tùy cảm nhận của người viết đối với người nhận.“Phúc sinh lễ nghĩa gia đình thịnh/Lộc tấn vinh hoa tử tôn hưng”. Gia đình hưng thịnh được nhờ phúc đức là thế.
Gần 40 năm trước, ông Đạt tình nguyện lên xây dựng khu Gang thép, rồi lập gia đình, ở lại Thái Nguyên từ đó.
Những năm 1980, Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh thành lập một số câu lạc bộ văn học, nghệ thuật, trong đó có Câu lạc bộ Thư pháp. Tôi đã từng bỏ ra một tuần lễ tìm đến nhà những người viết chữ đẹp trong Thành phố để nghe họ nói về cái hay cái đẹp của thư pháp. Đặc biệt, lần yết kiến cụ Nguyễn Văn Đông, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp, tôi đã trào nước mắt khi cụ cắt nghĩa cho nghe chữ Mẹ. Nét cong của chữ M như cánh tay ấp iu đứa con là chữ E ở trong lòng.
Chính cụ Đông là người “thử việc” ông Đạt khi ông xin vào Câu lạc bộ. Cũng từ đó, ông Đạt có thêm những người bạn giỏi tay bút, hiểu nghĩa chữ thánh hiền, làm nên những “ông đồ” thời nay.
Vừa là đam mê, vừa là kế sinh nhai, cứ trước Tết âm lịch khoảng chục ngày là các ông mang đồ nghề của mình đi “cho chữ”. Ấy là nói theo cách tao nhã của người nho học, không muốn động đến vật chất tầm thường nên tránh từ mua, từ bán. Chứ bộ bút lông tiền triệu, tờ giấy hồng bạch vài chục nghìn, cộng với bao năm dùi mài luyện tay mới viết được những chữ như rồng bay phượng múa, người nhận chữ “tặng” lại chút tiền giấy mực âu cũng là hợp lẽ.
Trước đây tôi mắc tội “khinh tiền”, coi đó là thứ vật chất tầm thường. Nhưng sau tôi đã điều chỉnh lại suy nghĩ này, quý đồng tiền nhưng không tôn thờ nó. Nhiều người bây giờ đi xin chữ cũng quan tâm nhiều đến những chữ như “Lộc, Tiền, Phát, Thăng, Tiến”, nhưng tôi thường khuyên người ta trọng các chữ: “Hiếu, Tâm, Thiện, Tầm, Đức” hơn - Ông Đạt thổ lộ.
Câu lạc bộ Thư pháp do ông Đạt phụ trách hiện có 15 người. Thường xuyên đi cho chữ vào dịp lễ tết có 3 người là ông Tiến, ông Khánh và ông Đạt. Để “tay tài hoa phóng bút” như bây giờ, ông Đạt đã mày mò tự học, thành thạo cách viết “chân”, mới “phăng -tê di" viết “thảo”. Chữ không chỉ là chữ mà đã được thổi hồn trong đó.
Tâm sự cùng tôi về thị trường “cho chữ”, ông bảo cũng nhiều “láo nháo”. Người viết chữ quốc ngữ loằng ngoằng rồi gọi là thư pháp khá nhiều, cũng lắm “thày đồ” trang trí vẽ vời quầy hàng của họ bắt mắt thành ra lại đông khách. Người có diện mạo đẹp, oai phong cũng là lợi thế. Còn ông, lui về góc khuất, ẩn mình như lời Phật dạy.
Vẽ chân dung bằng cảm nhận
Cũng là lộc trời cho, ngoài viết chữ Nho, ông Đạt còn có tài… vẽ chân dung. Chưa một ngày được học qua trường lớp, những người ông tôn làm thày như họa sĩ Lương Xuân Nhị, Lê Thị Kim Thư, Đoàn Văn Nguyên ông cũng chỉ được trò chuyện và xem tranh của họ.
Ông kể: Hồi còn là công nhân gang thép, ngày nghỉ người ta đi chơi, còn tôi thì lang thang đi vẽ. Tôi thích nhất là vẽ người. Trong lúc sinh hoạt câu lạc bộ, mọi người nói chuyện còn thì tôi vẽ họ, dần dần, chỉ vài nét bút, thần thái người tôi vẽ đã bật ra.
Ông kể cho tôi nghe kỷ niệm năm đầu tiên bước ra thị trường vẽ chân dung:
- Hôm đó là mùng 2 Tết, tôi ra Bảo tàng ngồi vẽ. Tôi vẽ được 3 cháu sinh viên, 2 ông già rất giống. Mọi người đang trầm trồ xúm lại thì một ông người cao to, mặt đỏ phừng phừng đi đến. Ông hất hàm hỏi tôi: “Mày vẽ à, đây, vẽ đi, vẽ giống tao thưởng, vẽ không giống tao đấm rơi răng”. Nghe ông nói, máu nóng trong người tôi bốc lên. Tôi bảo: “Được, anh ngồi đấy, tôi vẽ”. Bức đầu, tôi vẽ không giống. Ông khách cười khỉnh. Mọi người xì xào lo lắng. Tôi chợt nhớ đến lời thày tôi dạy: “Vẽ bằng cảm nhận mới lột được cái thần, ấy mới thực là giống”. Tôi bèn ngồi xoay lưng lại với ông khách lạ, vẽ xong bức thứ 2, mọi người ồ lên “giống quá, giống quá”. Ông khách không nói không rằng, kéo tôi ngồi lên chiếc Công - pho màu trắng sứ của ông chạy thẳng đến đồn công an, bảo mọi người lấy ra một con gà luộc, kê dao chặt 2 phát được 4 miếng, đưa cho tôi và 2 người nữa mỗi người một miếng. Ăn xong ông cầm chiếc chén uống trà cho vào mồm nhai nát như cám, nhổ phì xuống đất rồi đi. Con người kỳ lạ ấy sau tôi mới biết là võ sĩ đạo Bùi Anh Thiết.
Nghe tôi nói về ấn tượng của mình khi xem ông vẽ chân dung Bác Hồ trong thời gian đọc 4 câu thơ, ông bảo: Khi nhận nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh giao, tôi tìm các bức chân dung của Bác để vẽ các góc. Mắt Bác rất vui, miệng rất hóm, vẽ làm sao phải toát được thần thái đó. Vẽ đạt rồi lại không đạt, nhiều đêm tôi thức đến 2 giờ sáng để luyện. Hôm ra công diễn trước hàng nghìn người, quả tình tôi sợ lắm, nhưng tự bảo mình không được dao động, không được run tay, vậy nên tôi đã thành công.
Dứt câu chuyện với tôi, “ông đồ” Lê Mạnh Đạt lại quay về với những quyển sách chữ Nho dày cộp. Ông cẩn thận xem xét nghĩa của từng chữ, cẩn trọng đưa từng nét bút, sao cho nét thanh nét đậm hài hòa mềm mại. Để Tết này, “người muôn năm cũ” của nhà thơ Vũ Đình Liên trở lại cùng mùa xuân. Người tặng chữ, người xin chữ rộn ràng đầu năm mới làm nên nét văn hóa truyền thống đáng trân trọng.