Như đã thành thông lệ, vào những ngày cuối năm, lượng người đến giao dịch tại các ngân hàng đều tăng cao so với ngày thường.
Thay vì số lượng giao dịch tập trung nhiều ở các khoản vay như dịp cuối năm Dương lịch thì vào dịp này, việc trả nợ ngân hàng và chuyển tiền lại chiếm ưu thế…
Tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh T.P Thái Nguyên ngày 12-2, mặc dù đã 16 giờ 30 phút nhưng lượng khách hàng giao dịch vẫn khá đông với đủ mọi thành phần, nghề nghiệp: Có người là chủ doanh nghiệp, có người là cán bộ hưu, người là giáo viên, công chức, sinh viên… Đưa những sấp tiền về phía cán bộ ngân hàng, chị Đào Thanh Nga, kế toán một doanh nghiệp kinh doanh sắt thép ở phường Gia Sàng, T.P Thái Nguyên cho biết: Lượng tiền mặt mà doanh nghiệp thu về trong những ngày giáp Tết có ngày lên tới vài tỷ đồng, tăng gấp 2-3, thậm chí là 4 lần so với ngày thường. Đây là điều thường thấy vào dịp cuối năm, bởi thời điểm này, các doanh nghiệp đều tiến hành thu hồi công nợ và hạn chế tối đa việc bán chịu. Ngoài ra còn có một lượng tiền không nhỏ của bạn hàng đặt trước để ra Tết sẽ lấy hàng.
Cùng thực hiện giao dịch bên cạnh, anh Đàm Thế Thụ, chủ cửa hàng tạp hóa ở phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên chia sẻ: Nếu như vào dịp cuối năm dương lịch, chúng tôi đến ngân hàng vay tiền để “ôm hàng” nhằm tăng doanh số để được hưởng chiết khấu cao và nhiều ưu đãi của nhà sản xuất thì vào dịp này, lượng hàng hóa bán ra nhiều, trong khi lượng hàng hầu như không cần nhập thêm vì đã có sự tích lũy từ trước nên cứ sau 1-2 ngày bán hàng, tôi lại đến trả nợ ngân hàng để giảm bớt việc trả lãi.
Không kinh doanh, buôn bán, nhưng cứ vào dịp cuối năm hoặc đầu xuân năm mới, bà Nguyễn Thị Dung, ở thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) lại đến ngân hàng để gửi tiết kiệm sau 1 năm tích cóp cộng với số tiền mà các con gửi biếu. Bà Dung bảo: Năm nay, cả 3 cháu nhà tôi đều đi làm với mức thu nhập ổn định nên có điều kiện biếu mẹ dịp Tết nhiều hơn. Cộng với số tiền tiết kiệm hằng tháng, tôi đã có được số tiền 30 triệu đồng để gửi. Bà bảo, mặc dù lãi suất thời gian qua so với hai năm trước thấp đi nhiều nhưng gửi tiết kiệm ở ngân hàng vẫn là cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho số tiền mà bà gom góp được phòng khi ốm đau để cháu con đỡ phần vất vả.
Nhộn nhịp, tấp nập cũng là không khí chung của nhiều ngân hàng mà chúng tôi đến, như: Đầu tư và Phát triển, Nông nghiệp và PTNT, Quân đội, Công thương, Sài Gòn - Hà Nội… Theo đại diện lãnh đạo nhiều ngân hàng: Với số lượng khách hàng trong những ngày giáp Tết tăng hơn so với ngày thường khoảng 50% nên để đảm bảo các giao dịch được thực hiện nhanh chóng, an toàn và chính xác, các ngân hàng đều phải bố trí thêm cán bộ tại bộ phận giao dịch trực tiếp. Công tác an ninh trật tự cũng được tăng cường.
Trở lại với năm 2014, do chịu tác động trực tiếp từ những khó khăn của nền kinh tế thế giới và trong nước nên trong năm, hoạt động của các ngân hàng đã chịu không ít áp lực trong việc tăng trưởng tín dụng và các chỉ tiêu, kế hoạch khác. Tuy nhiên, bằng các giải pháp linh hoạt, sáng tạo, chủ động tìm kiếm khách hàng và đưa ra nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nên các chỉ tiêu cơ bản của ngành ngân hàng tỉnh đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Theo một số chuyên gia ngành Ngân hàng: Xuất phát từ thực tế của nền kinh tế nên trong năm, giữa khu vực thành thị và nông thôn có mức tăng trưởng khác nhau trong việc huy động vốn cũng như tăng trưởng tín dụng. Nếu như ở khu vực nông thôn, dư nợ cho vay có mức tăng trưởng tốt hơn thành thị thì ở thành phố, nguồn vốn huy động lại tốt hơn ở nông thôn. Điều này phần nào được minh chứng qua kết quả hoạt động của Agribank Chi nhánh tỉnh. Trong khi Agribank của cả tỉnh có mức tăng trưởng tín dụng là 17,5% thì Agribank Chi nhánh T.P Thái Nguyên có mức tăng tới 20,5%. Còn với dư nợ tín dụng thì cả tỉnh là 11,6%, thì Agribank Chi nhánh thành phố lại chỉ tăng 6%. Điều này phần nào cho thấy những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải trong năm 2014.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh: Tính đến ngày 31-12-2014, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 25,4 nghìn tỷ đồng, tăng 28,4%; dư nợ cho vay đối với nền kinh tế đạt hơn 27,2 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với cuối năm 2013 và tăng hơn so với tăng trưởng toàn ngành. Đặc biệt, nợ xấu được duy trì ở mức thấp và có xu thế giảm, với tỷ lệ là 0,81%. Có thể nói, đây vừa là động lực, vừa là tiền đề quan trọng để ngành ngân hàng của tỉnh thêm tự tin hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra trong năm 2015, với một số chỉ tiêu cụ thể, gồm: Tăng trưởng tín dụng khoảng 13-15% (có thể được điều chỉnh theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); tỷ lệ nợ xấu từ nhóm 3 đến nhóm 5 nhỏ hơn 3% trên tổng dư nợ; các ngân hàng thành viên phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch ngân hàng cấp trên giao.