Võ Nhai có tổng diện tích tự nhiên là 83.950,14ha, trong đó đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 62.689,50ha (gồm đất rừng đặc dụng là 19.393,84ha; đất rừng phòng hộ 17.930,84ha và đất rừng sản xuất là 24.818,82ha).
Là huyện có diện tích đất lâm nghiệp lớn, diện tích rừng đặc dụng có nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm; rừng sản xuất chủ yếu đã giao cho người dân. Diện tích rừng này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Vì thế, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBVR) cũng là một vấn đề lớn đối với cán bộ kiểm lâm huyện Võ Nhai.
Nhận thức rõ công tác QLBVR vừa là nhiệm vụ, vừa là mục tiêu hàng đầu của đơn vị, ngay từ đầu năm, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Võ Nhai đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác chung của đơn vị, các trạm kiểm lâm, tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả của 15 Ban chỉ đạo kế hoạch QLBVR cấp xã và 174 tổ QLBVR-PCCCR cấp xóm. Đây chính là lực lượng xung kích trong công tác quản lý bảo vệ rừng tại cơ sở; tham mưu cho UBND các cấp quản lý sử dụng rừng theo đúng quy định. Đồng thời tiến hành rà soát diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng khác. Kết quả đã thống kê được 50 dự án với tổng diện tích chuyển đổi là 791,98ha; thực hiện tốt công tác theo dõi diễn biến nguồn tài nguyên rừng, cập nhật được 921 lô với tổng diện tích là 952,57ha. Song song với đó, công tác kiểm tra giám sát rừng cũng được chú trọng, trong năm, Hạt kiểm lâm đã phối hợp và triển khai thực hiện nhiều đợt kiểm tra, qua đó đã kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý những sai phạm xảy ra. Tính đến hết năm 2014, Hạt Kiểm lâm huyện đã kiểm tra 487 giấy phép với 28.482,2m3 gỗ tròn; giám sát quá trình khai thác, vận chuyển lâm sản với khối lượng 23.905,7m3.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 16-5-2003; Chỉ thị số 08 và Chỉ thị số 1685 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ, Hạt Kiểm lâm Võ Nhai đã chỉ đạo Tổ Kiểm lâm cơ động PCCCR, các trạm kiểm lâm và kiểm lâm địa bàn xây dựng mạng lưới thông tin, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực QLBVR; đồng thời phối hợp với các đơn vị trên địa bàn huyện đấu tranh ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các vụ vi phạm xảy ra; chủ động xây dựng và triển khai thực hiện 3 kế hoạch truy quét vào các đợt cao điểm. Kết quả: phát hiện, lập biên bản để xử lý 101 vụ vi phạm, tịch thu 79,877m3 gỗ tròn các loại, trong đó có 3,386m3 gỗ quý hiếm; gỗ xẻ 24,377 m3; 36 chiếc xe máy và 1 phương tiện khác; thu nộp ngân sách Nhà nước 484,7 triệu đồng…
Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, Hạt Kiểm lâm cũng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo thực hiện tốt công tác phát triển rừng; tích cực tuyên truyền các văn bản, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước cũng như những giá trị lợi ích mà rừng đem lại; tổ chức nhiều buổi tuyên truyền giáo dục lồng ghép về Luật Bảo vệ và phát triển rừng cũng như các chính sách liên quan cho 2.300 lượt người tham gia. Nhiều hộ dân trong huyện cũng đã tích cực tham gia trồng rừng theo dự án cũng như tự bỏ vốn trồng rừng với tổng diện tích là 860,65ha.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ trong QLBVR song công tác đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật QLBVR vẫn còn hạn chế nhất là ở khu vực các xã phía Bắc của huyện. Công tác tuyên truyền cho người dân về sử dụng rừng chưa phát huy hiệu quả, tình trạng chặt phá rừng để phục vụ cuộc sống, sinh hoạt vẫn còn diễn ra.
Để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, năm 2015, Hạt Kiểm lâm huyện tiếp tục thực hiện hiện tốt công tác tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp giữa các ngành, các xã vùng giáp ranh tăng cường tuyên truyền giáo dục, đấu tranh ngăn chặn nhằm làm giảm số vụ vi phạm và gây thiệt hại về nguồn tài nguyên rừng; triển khai thực hiện QLBVR tận gốc thông qua sự hoạt động hiệu quả của kiểm lâm địa bàn và nêu cao trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân về nguồn lợi do rừng trồng mang lại đối với việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.