Khi những nụ hoa đào đang chúm chím đón chào mùa xuân mới chúng tôi có cuộc hành trình trở về ATK Định Hoá, mảnh đất cách đây 68 năm Bác Hồ, Trung ương Đảng đã chọn làm An toàn khu để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược…
Trên con đường nhựa phẳng lì uốn lượn quanh các đồi cọ, nương chè xanh mát mắt, cảm nhận về mùa xuân nơi “Thủ đô gió ngàn” năm xưa cứ hiển hiện trước mắt chúng tôi với biết bao điều đổi thay, mới lạ…
Trong câu chuyện bên ấm trà xanh đậm hương đất, hương rừng ATK, Bí thư Huyện ủy Định Hóa Lương Văn Lành phấn khởi kể với chúng tôi: Những năm qua Định Hóa luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong huyện luôn kế thừa và phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt trên 10%/năm, thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2014 đạt trên 17 triệu đồng, bình quân lương thực đạt trên 500 kg/người/ năm.
Để minh chứng cho sự đổi thay của Thủ đô gió ngàn, theo lời chỉ dẫn của Bí thư Huyện ủy, chúng tôi về xã Điềm Mặc, nơi có di tích Khau Tý nổi tiếng, trong từng căn nhà, trên mỗi con đường, ở đâu chúng tôi cũng thấy rực rỡ cờ hoa. Sự "thay da đổi thịt" đang hiện hữu từng ngày ở vùng quê cách mạng. Những con đường đất lầy lội ngày nào giờ được thay bằng đường nhựa, đường bê tông, đường đá cấp phối. Những mái trường khang trang đang mọc lên đón các em nhỏ đến trường. Ông Ma Duy Vụ, Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc hồ hởi nói với chúng tôi: - Những năm qua, địa phương đã có nhiều giải pháp giúp người dân thoát nghèo, như mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; phát triển nghề thủ công; hỗ trợ nông dân vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất. Năm 2014 vừa qua, số hộ cận nghèo của xã đã giảm được hơn 100 hộ.
Ông Ma Công Tám (80 tuổi) ở thôn Bản Hóa, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Điềm Mặc từ thời kỳ chống Pháp, khi nói về những đổi thay của quê hương, giọng nghẹn lại: - Điềm Mặc có được như ngày hôm nay là nhờ có Đảng, Bác Hồ và lòng yêu nước của người dân nơi cội nguồn cách mạng.
Rời Điềm Mặc, chúng tôi về xã Phú Đình. Lán Tỉn Keo đơn sơ vẫn còn đó; cây râm bụt Bác trồng trước cửa lán năm xưa vẫn trổ hoa tươi thắm. Từ Di tích Tỉn Keo, ngược lên đỉnh đèo De nơi có khu Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, phóng tầm mắt ra xa là bạt ngàn những cánh rừng, nương chè xanh ngút ngàn, những nếp nhà sàn của người Tày, người Nùng tạo khung cảnh thanh bình, nên thơ…
Sau cái bắt tay thật chặt và nụ cười tươi rói, ông Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã Phú Đình không giấu niềm vui: Tự hào là trung tâm ATK trong thời kỳ kháng chiến, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Phú Đình luôn vươn lên xây dựng quê hương từng ngày đổi mới. Các tuyến đường liên thôn, liên xóm cũng được bê tông. Các cháu học sinh được học tập dưới những mái trường khang trang, sạch đẹp. Bà con mạnh dạn sản xuất giống lúa bao thai đặc sản, làm lúa hai vụ, vì thế sản lượng lương thực hằng năm của xã tăng trung bình gần 10%. Năm 2014, sản lượng lương thực của xã đạt hơn 2.200 tấn. Kinh tế ổn định, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Năm vừa qua, 70% số dân trong xã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; bà con khi đau, ốm được khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã; 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường; hơn 60% số hộ đạt gia đình văn hóa… Rồi như trăn trở với chính mình, ông Vựng cho biết: -Đảng ủy, chính quyền xã chúng tôi đưa ra chủ trương phấn đấu sản lượng lương thực cây có hạt trên 2.400 tấn; giá trị thu được trên 1ha đất nông nghiệp tăng từ 53 triệu đồng lên 63 triệu đồng/ha; tích cực trồng mới, trồng lại chè bằng các giống chè cành năng suất, chất lượng; đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, do vậy xuân này người dân phấn khởi lắm... Điều đáng mừng nữa là bà con nhân dân từ các làng xa tới bản gần đều được sử dụng điện lưới Quốc gia. Điện về không chỉ thắp sáng các bản, làng mà còn giúp người dân có điều kiện đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp; nắm bắt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là kiến thức trong chăn nuôi, trồng trọt thông qua các phương tiện thông tin đại chúng... Nhờ đó, tư duy phát triển kinh tế của gần 1.500 hộ dân trong xã đã có những chuyển biến tích cực…
Cùng với những thành công bước đầu, Định Hóa vẫn còn đó những khó khăn phía trước. Đó là hệ thống hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được cho nhu cầu phát triển; cơ sở hạ tầng cho giáo dục, y tế, đào tạo nghề còn thiếu; tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với mức trung bình của cả nước. Vì thế khi trò chuyện với đồng chí Lương Văn Lành, Bí thư Huyện ủy, câu chuyện mà anh tâm đắc chính là việc xây dựng và triển khai Đề án nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc trong vùng ATK đến năm 2020; nâng cấp, phục hồi, tôn tạo 18 điểm di tích lịch sử quan trọng. Anh Lành trăn trở: - Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Phải làm cho nhân dân cả nước biết về Định Hóa không chỉ là cái nôi cách mạng, mà còn biết đến là địa phương đang đổi thay và phát triển.
Rời Định Hóa khi cái buốt giá của mùa đông tăng cường như cứa vào da thịt, chúng tôi mang theo hình ảnh đất và người nơi cội nguồn cách mạng một lòng thủy chung theo Đảng, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chào xuân mới nơi Thủ đô gió ngàn, chúng tôi tin sự đổi thay trong cách nghĩ, việc làm của cấp ủy, chính quyền đã và sẽ góp phần tạo lên diện mạo mới để địa phương vững bước đi lên, xứng đáng là “Thủ đô gió ngàn” của cả nước.