Cẩn trọng khi mua hàng trả góp

09:26, 18/03/2015

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang xuất hiện rất nhiều công ty, cửa hàng cho khách hàng mua trả góp như: mua ô tô, xe máy, điện thoại di động, máy vi tính… với lãi suất khá ưu đãi và hấp dẫn.

Ví dụ: Mua ô tô trả góp mức lãi suất chỉ 7,8%/năm; mua điện thoại di động, Láp top, máy tính bảng “0 đồng trả trước máy mới xài ngay”... Còn khách hàng thì trả góp tiền gốc và lãi hàng tháng; thủ tục đơn giản gọn nhẹ (chỉ cần chứng minh thư nhân dân; bằng lái xe hoặc hộ khẩu, hóa đơn thanh toán tiền điện; xác nhận thông tin người thân qua 3 số điện thoại; thời gian xét duyệt nhanh gọn (chỉ trong vòng 30 phút).

 

Những thông tin trên thật hấp dẫn với những người có thu nhập thấp, như: Học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức Nhà nước. Vì chỉ cần trả một khoản tiền nhỏ (có mặt hàng giá trị từ 2 triệu đến 10 triệu đồng không phải trả đồng nào trước; hoặc chỉ phải trả từ 5 đến 10%; có mặt hàng giá trị lớn như xe máy từ 24 triệu đồng trở lên hay mua ô tô chỉ cần trả từ 10% đến 30% tổng giá trị mặt hàng) là đã có thể nhanh chóng sở hữu một chiếc máy tính bảng; Laptop, điện thoại di động hay ô tô, xe máy. Vì vậy, nhiều người đã tìm đến các công ty, cửa hàng để mua hàng trả góp không một chút lăn tăn nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt. Song, do không tìm hiểu kỹ lưỡng, bên cạnh đó, các nhân viên bán hàng cũng không tư vấn một cách đầy đủ nên nhiều người đã vội vàng mua hàng. Chỉ đến khi trả nợ mới thấy hàng của mình bị đội giá lên rất nhiều lần so với giá ban đầu vì những chi phí kèm theo.

 

Tôi có đứa cháu là sinh viên đã từng mua 1 chiếc điện thoại trả góp của Công ty cổ phần Thế giới di động tại Thái Nguyên với thời gian trả góp trong 12 tháng. Theo hóa đơn của Công ty: Giá chiếc điện thoại ban đầu chỉ có 5 triệu 790 nghìn đồng (tính cả thuế 10%). Đi kèm, khách hàng phải mua bảo hiểm cho món hàng đó. Với việc mua bảo hiểm như vậy, Công ty sẽ không bị thua thiệt, nếu như khách hàng có bị rủi ro thì đã có cơ quan bảo hiểm trả thay số tiền khách hàng chưa trả được. Đồng thời, theo hợp đồng, khách hàng chỉ phải trả lần đầu 1,2 triệu đồng; sau đó mỗi tháng phải trả 638 nghìn đồng; nếu sau 4 tháng, khách hàng muốn trả toàn bộ số tiền còn lại vẫn phải thanh toán phí trả nợ trước hạn là 15% dư nợ gốc tại thời điểm trả nợ trước hạn. Nếu trả góp trong 12 tháng, khi kết thúc hợp đồng, chiếc điện thoại đó đã có giá tới 8 triệu 856 nghìn đồng (so với gốc ban đầu đắt thêm 3 triệu 066 nghìn đồng). Điều đáng nói là, khách hàng cũng chỉ được nghe tư vấn, không được nhìn thấy hợp đồng (hợp đồng được gửi qua bưu điện sau đó vài ngày từ Công ty “mẹ” ở Thành phố Hồ Chí Minh - Công ty TNHH một thành viên Tài chính PPF Việt Nam, với những điều khoản dài dằng dặc, khó hiểu). Có nơi còn lập lờ về lãi suất như “bán xe trả góp 1,66%”, nhưng đến khi mua xe rồi mới biết còn tùy vào mức độ trả tiền trước nhiều hay ít để cửa hàng đưa ra nhiều mức lãi suất khác nhau, nhưng sẽ cao hơn mức lãi suất quảng cáo trên. Không chỉ riêng cháu tôi mà rất nhiều khách hàng đã từng mua hàng trả góp đều “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi đã chót mua hàng rồi với phương thức bán hàng này.

 

Bởi vậy, khi mua hàng trả góp, mọi người nên nghiên cứu kỹ hợp đồng, nhất là mức lãi suất, thời gian thay đổi lãi suất; các khoản phí phải thanh toán và đặc biệt nên so sánh giá tiền trả trước và trả sau có chênh nhau quá lớn để có phương án tài chính hợp lý nhằm giảm mức thấp nhất số tiền chênh lệch (ví dụ: có thể vay vốn ngân hàng để trả một lần, lãi suất sẽ thấp hơn nhiều nếu như mua ô tô hoặc xe máy có giá trị lớn); hoặc tìm hiểu giá trả góp của nhiều cửa hàng khác nhau, nơi nào rẻ hơn hãy đưa ra quyết định mua hàng để không rơi vào tình trạng “tưởng rẻ hóa đắt” như đã nêu ở trên.