Những ngày vừa qua, do thời tiết nắng ấm dẫn tới tình trạng ốc bươu vàng gây hại cục bộ ở một số cánh đồng trũng và những ruộng thường xuyên có nước trên địa bàn huyện Phổ Yên, làm ảnh hưởng đến cây trồng, đặc biệt là đối với diện tích lúa xuân đang trong giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh.
Để ốc biêu vàng không lan rộng, các ngành chức năng của huyện đã, đang sát cánh cùng bà con thực hiện các biện pháp diệt trừ, hồi phục diện tích lúa bị hại.
Vụ xuân năm nay, huyện Phổ Yên gieo cấy được trên 4.200ha lúa, trong đó lúa lai là 1.200ha, lúa cao sản là 2.480ha. Thời điểm này, bà con đã cấy hết diện tích. Theo báo cáo của Trạm Bảo vệ thực vật, hiện huyện có 120 ha lúa bị nhiễm ốc bươu vàng, trong đó có 60 ha nhiễm nặng, tập trung chủ yếu tại các cánh đồng trũng thuộc các xã Tiên Phong, Nam Tiến, Đông Cao, Thuận Thành, Tân Phú. Mật độ ốc trung bình từ 1 – 2 con/m2, nơi cao 5 con/m2, cục bộ 10 con/m2, chủ yếu là ốc non.
Có mặt tại cánh đồng Bờ Trũng, thuộc xóm Hộ Sơn, xã Nam Tiến, chúng tôi nhận thấy một số diện tích lúa non ở đây đã bị ốc bươu vàng ăn trụi. Chị Nguyễn Thị Thuận, một nông dân trong xóm cho biết: Gia đình tôi có 6 sào lúa thì có đến 4 sào đã bị nhiễm ốc, trong đó có 3 sào bị nhiễm nặng, số còn lại mật độ ốc thưa hơn. Mấy ngày nay, tôi phải thường xuyên có mặt trên đồng để nhặt ốc và trứng ốc, đồng thời cấy dặm những nơi lúa bị ốc ăn trụi.
Tại cánh đồng Cửa Đình thuộc xóm Hạ, xã Nam Tiến, tình hình ốc hại lúa cũng không khác là bao, thậm chí mức độ gây hại còn nặng hơn, vài góc ruộng cây lúa chỉ còn trơ lại thân, không còn khả năng hồi phục. Ruộng lúa của gia đình chị Nguyễn Thị Nhị là một trong những thửa bị thiệt hại nặng nhất do ốc bươu vàng. Chị cho hay: Vụ xuân năm nay, gia đình tôi cấy được 3 sào, toàn bộ là giống lúa lai TH 3 – 4. Sau khi cấy xong, mặc dù tôi đã tiến hành phun thuốc trừ ốc ngay, nhưng do đây là cánh đồng trũng, nhiều nước, nên thuốc phun xong đã bị rửa trôi, không còn khả năng trừ ốc. Hiện nay, lượng nước vẫn nhiều, nên dù gia đình đã tiến hành phun thuốc đợt 2 mà vẫn không có tác dụng. Đến nay, hầu hết diện tích lúa của gia đình đã bị ốc phá hại. Trước tình hình này, tôi đành tiến hành cấy lại toàn bộ.
Nam Tiến là địa phương có diện tích lúa Xuân bị thiệt hại nặng do ốc bươu vàng, toàn xã gieo cấy được khoảng 290ha lúa Xuân thì có khoảng 1/3 diện tích đã bị nhiễm ốc bươu vàng. Hiện nay, một số diện tích đã được bà con khôi phục lại, tuy nhiên ốc vẫn chưa được diệt trừ dứt điểm nên nguy cơ lây lan vẫn chưa được dập tắt. Bà con vẫn phải bám sát đồng ruộng phát hiện và diệt trừ từng cá thể ốc theo phương pháp thủ công kết hợp phun thuốc diệt ốc để bảo vệ lúa.
Đối với xã Đông Cao, gieo cấy được 240ha lúa xuân, trong đó cũng có 10ha lúa thuộc các xóm: Tân Thành, Trung, Nghè, Sắn đã bị ốc hại. Đây đều là những địa bàn trũng, nhiều nước, ốc và trứng ốc theo mương nước đổ về gặp điều kiện thời tiết thuận lợi nên sinh sôi nảy nở rất nhanh, thêm vào đó lại đúng thời điểm cây lúa mới cấy, còn non yếu nên mức độ thiệt hại càng khó lường.
Trước tình hình ốc bươu vàng phát triển mạnh gây hại trên các cánh đồng lúa, Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã phân công cán bộ phụ trách các địa bàn, thường xuyên bám sát đồng ruộng, hướng dẫn bà con cách diệt trừ, hạn chế thiệt hại do ốc gây ra. Bên cạnh đó, Trạm cũng phối hợp với các địa phương tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thành của xóm về cách trừ ốc, cấy dặm lại các diện tích lúa bị hại. Ông Chu Văn Hùng, Trưởng Trạm bảo vệ thực vật huyện cho biết: Căn cứ vào thực tế trên các cánh đồng, để diệt trừ ốc hiệu quả, ngăn ngừa sự phá hại lúa, bà con cần tập trung diệt trừ ốc bằng phương pháp thủ công là chủ yếu. Tại các thửa ruộng trũng cần cắm cọc nhử ốc lên đẻ trứng để tiêu diệt, sử dụng lưới chắn để ngăn chặn ốc xâm nhập khi đưa nước vào ruộng, dùng mồi như dây lá khoai lang, lá sắn để dụ ốc đến ăn tập trung rồi bắt diệt. Ngoài ra cần huy động lực lượng đông đảo bà con nông dân tích cực, thường xuyên nhặt bắt ốc bươu vàng trên ruộng lúa đã cấy và ổ trứng ốc ở ven bờ ruộng, bờ mương, dọc theo các dòng nước chảy trên cánh đồng. Bên cạnh biện pháp thủ công, khi mật độ ốc cao từ 6 con/m2 trở lên, có khả năng gây hại nặng thì sử dụng một trong số các loại thuốc hóa học để phun trừ như: HN – Samole 700WP, Pazol 700WP và Ossal 700WP, 700 WG. Tuy nhiên, các loại thuốc phun trừ ốc bươu vàng có đặc tính rất độc hại, cho nên bà con nông dân chỉ sử dụng thuốc khi thật cần thiết, liều lượng phun và cách pha chế phải đảm bảo theo đúng hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc.
Với sự tích cực của cán bộ và bà con nông dân, đến thời điểm này, số lượng lớn ốc và trứng ốc đã bị tiêu diệt, cơ bản khống chế sự phát triển của ốc bươu vàng. Đồng thời, bà con trong huyện đã tiến hành cấy lại khoảng 20ha lúa bị ốc phá hại. Tuy nhiên, thời tiết ấm áp như hiện nay là điều kiện thích hợp cho ốc bươu vàng sinh trưởng và phát triển mạnh, nên bà con phải luôn bám đồng ruộng, tích cực diệt trừ ốc bằng các biện pháp đã được tuyên truyền, không để ốc phát triển thành dịch, hạn chế thiệt hại do ốc gây ra, góp phần đưa vụ xuân của huyện năm nay giảnh thắng lợi.