Chưa có vốn để xử lý ô nhiễm môi trường dòng suối Cốc

14:32, 12/03/2015

Suối Cốc (tên gọi khác là suối Gia Sàng) có chiều dài khoảng 3,3km, chảy qua một số vùng đất của T.P Thái Nguyên (trong đó, đoạn suối Cốc chảy qua phường Cam Giá là dài nhất) đã bị ô nhiễm nặng từ nhiều năm nay.

Nguồn thải từ các cơ sở luyện kim của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên trong suốt quá trình hoạt động là nguyên nhân chính gây nên sự ô nhiễm môi trường dòng suối này. Vấn đề ô nhiễm môi trường tại đây ngày càng “nóng” nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được nguồn vốn để đầu tư xử lý…

 

Bà Đỗ Thị Phương Đông, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND phường Cam Giá thông tin: Dòng suối Cốc đã bị ô nhiễm nghiêm trọng từ hàng chục năm nay và cử tri của phường liên tục kiến nghị cấp có thẩm quyền quan tâm xử lý. Tình trạng ô nhiễm môi trường dòng suối Cốc không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người dân khi mưa to, nước ở suối Cốc dâng lên tràn vào đồng ruộng 2 bên bờ làm chết cây trồng mà vấn đề ô nhiễm không khí, nguồn nước giếng sinh hoạt đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân. Một gia đình sống cạnh bờ suối Cốc đã có tới 4 người bị mù do các bệnh về mắt phải chuyển đi nơi khác sinh sống và tình trạng người dân sống tiếp giáp với suối Cốc bị bệnh ngoài da, bệnh hô hấp khá phổ biến. Chất thải của Nhà máy Cốc hoá hiện đã cơ bản được xử lý nhưng khối chất thải tích tụ mấy chục năm nay ở dưới lòng suối lại bị sục lên khi mưa to nên ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nếu không được nạo vét, vận chuyển đi nơi khác để xử lý…

 

Trước sự lo lắng, bức xúc của cử tri xung quanh vấn đề ô nhiễm môi trường của dòng suối Cốc, cơ quan chức năng có thẩm quyền của T.P Thái Nguyên, của tỉnh đã nhiều lần tiến hành kiểm tra, đánh giá mức độ ô nhiễm. Theo ước tính của các cơ quan chức năng, dòng suối Cốc đang tồn tại gần 40 nghìn mét khối hỗn hợp chất thải có hoá chất, như: Dầu mỡ, amoni, xianua… nên gây ô nhiễm không khí, nguồn nước những nơi nó chảy qua. Hiện hầu hết các loài thuỷ sinh không còn khả năng sinh trưởng, phát triển được bởi nước suối Cốc đen ngòm, đặc quánh các loại hoá chất công nghiệp. Lượng nước này khi mưa tràn qua các thửa đất sản xuất của người dân ở 2 bên bờ cũng làm chết cây trồng, nhất là những cây ngắn ngày như: Lúa, rau màu và phải mất nhiều thời gian mới cải tạo được. Trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của dòng suối Cốc, ngày 15-7-2014, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1548/QĐ-UBND về phê duyệt Dự án đầu tư cải tạo, nạo vét và xử lý môi trường suối Cốc phường Cam Giá, T.P Thái Nguyên với tổng kinh phí trên 127,8 tỷ đồng và giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư.

 

Mục tiêu là xử lý ô nhiễm môi trường dòng suối Cốc đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, điều kiện sống cũng như sức khoẻ cho cộng đồng dân cư trong khu vực, góp phần cải thiện chất lượng nước sông Cầu. Phương án xứ lý môi trường dòng suối Cốc được thực hiện theo hướng: Nạo vét sạch lớp trầm tích chứa dầu và nhiễm dầu; khơi thông dòng chảy tuyến lòng suối và khu vực ảnh hưởng hiện tại với chiều dài 3,3km. Chiều dài suối Cốc sẽ được chia làm 2 tuyến để nạo vét, cải tạo: Tuyến 1 từ cửa xả cống thoát nước thải của Nhà máy Cốc hoá đến đập bê tông (chiều dài 1.100m); tuyến 2 từ đập bê tông ra sông Cầu (chiều dài 2.200m). Tổng lượng cần phải nạo vét ở dòng suối Cốc là 33.657m3, trong đó khối lượng hỗn hợp có chứa hoá chất và nhiễm hoá chất là khoảng 29.346m3. Lượng chất bị ô nhiễm này sau khi nạo vét sẽ được tập kết chuyển đến lò đốt chất thải nguy hại để xử lý theo quy định.

 

 Người dân sau khi nghe thông tin có Dự án đầu tư nạo vét, cải tạo dòng suối Cốc đã vô cùng mừng vui và mong chờ từng ngày. Nhưng hơn nửa năm đã trôi qua, người dân chưa thấy việc xử lý ô nhiễm môi trường dòng suối Cốc được triển khai thực hiện lại thắc mắc kiến nghị với chính quyền sở tại. Vẫn theo bà Đỗ Thị Phương Đông: Trong các lần tiếp xúc cử tri mới đây, chúng tôi đều nhận được ý kiến của nhân dân yêu cầu giải trình về tiến độ thực hiện Dự án này. Sau đó, HĐND phường đã tập hợp nguyện vọng của cử tri để gửi lên cấp trên và được giải thích là hiện vẫn chưa cân đối được nguồn vốn triển khai Dự án.

 

Để hiểu rõ hơn về quá trình triển khai Dự án  đầu tư nạo vét, cải tạo dòng suối Cốc, chúng tôi đã trao đổi với bà Trần Thị Minh Hương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, được biết: Việc xây dựng Dự án này làm cơ sở để huy động vốn hỗ trợ từ Trung ương, vốn của tỉnh và vốn đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp liên quan. Đến thời điểm này, chủ đầu tư chưa được cấp vốn để triển khai thực hiện Dự án. Do vậy, trong năm 2015 việc triển khai nạo vét, cải tạo dòng suối Cốc để xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường là chưa khả thi.

 

Trước sự khó khăn về nguồn vốn đầu tư Dự án nạo vét, cải tạo dòng suối Cốc để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, chính quyền phường Cam Giá và những hộ dân đang phải chịu những tác động xấu do ô nhiễm môi trường gây ra đề nghị được giải quyết sớm một số vấn đề. Cụ thể, như: Công ty cổ phần Nước sạch Thái Nguyên và các ngành chức năng liên quan nên có chính sách hỗ trợ để cấp nước sinh hoạt đảm bảo an toàn vệ sinh tới các hộ đang ở giáp với suối Cốc, nước giếng bị ô nhiễm nặng; đối với những diện tích cây trồng thường xuyên bị nước suối Cốc tràn vào làm mất trắng hoặc giảm sản lượng nên có hình thức hỗ trợ, giúp người dân không bị mất thu nhập. Nguyện vọng trên là chính đáng, mong rằng các cơ quan liên quan của tỉnh, T.P Thái Nguyên nên xem xét, giải quyết.