Đầu xuân vui hội Lồng Tồng

09:16, 01/03/2015

Đã trở thành thông lệ, cứ đến ngày mồng 9, mồng 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm, nhân dân các dân tộc huyện ATK Định Hóa và du khách thập phương lại về sân Lễ hội ở xóm Đèo De, xã Phú Đình để hòa mình vào các hoạt động của Lễ hội Lồng Tồng với niềm hy vọng về một năm mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu...

Có mặt tại sân Lễ hội vào sáng sớm mồng 10 tháng Giêng âm lịch, khi mặt trời vừa ló rạng, trong sắc đào phai nở bung cánh, cây cối tua tủa trồi non, chúng tôi được hòa vào không khí háo hức, nô nức của người dân ở khắp mọi miền về đây trẩy hội đầu xuân.

 

8h sáng, Lễ dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trang trọng với sự tham dự của các đồng chí: Trung tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Phùng Đình Thiệu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo một số huyện, thành, thị trong, ngoài tỉnh và hàng nghìn người dân vùng chiến khu Việt Bắc cùng du khách thập phương.

 

Đúng 8 giờ 30 phút, Lễ khai hội bắt đầu bằng màn đánh trống hội.... Cụ Ma Đình Được ở xóm Đèo De, xã Phú Đình đã dang rộng đôi cánh tay gióng lên những hồi trống như thúc giục, gọi mời mọi người tề tựu về trung tâm sân Lễ hội. Cụ Ma Đình Được cho biết: Mặc dù nhiều năm nay, tôi đều vinh dự được lựa chọn là người đánh trống khai Hội, nhưng lần này tôi hấy náo nức lạ thường, bởi dòng người về đây mỗi lúc một đông, có thể nói đông hơn rất nhiều so với mọi năm.

 

Sau màn trống khai Hội, du khách thập phương đã được thưởng thức tiết mục múa Lân - Sư - Rồng đặc sắc. Tiếp đến là đến mục quan trọng nhất của phần Lễ, đó là Lễ cầu Mùa của dân tộc Tày, dân tộc Sán Chay, Lễ cầu Phúc của dân tộc Dao, Lễ xuống đồng. Ngay sau phần Lễ là phần Hội với tiếng reo hò khi quả còn khai Hội đầu tiên bay qua vòng tròn dán giấy đỏ trên đỉnh cây nêu được dựng giữa sân hội cao chừng gần 20m.

 

Hoạt động thu hút được sự chú ý nhất của du khách thập phương trong Lễ hội Lồng Tồng năm nay phải nói đến màn múa rối đặc sắc của nhóm nghệ nhân đến từ xóm Ru Nghệ, xã Đồng Thịnh và phường Rối Thẩm Rộc của xã Bình Yên. Các nghệ nhân đã mang đến hội xuân tích cổ "Tắc kè - Pú cấy" kể về quá trình tạo hóa sinh ra con người và loài vật, cả hai cùng phải ăn ngũ cốc để tồn tại... Bà Bùi Thị Nở, ở xã Tân Tiến, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) phấn khởi cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi có dịp đến với Lễ hội Lồng Tồng Định Hóa. Được hòa mình vào không khí Lễ hội với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi, tôi thấy đây chính là nơi đã góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, khích lệ bà con dân tộc mình nâng cao ý thức gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông. Đến với Lễ hội, hoạt động gây cho tôi sự chú ý và ấn tượng nhất là tiết mục trình diễn múa rối của các phường rối Tày.

 

Tiết trời như chiều lòng người, càng đến trưa, nắng ấm đầu xuân trải rộng khắp nơi, dòng người đổ dồn về sân Lễ hội ngày một đông. Tiếng cười khanh khách của các cháu nhỏ đang chạy nhảy tung tăng trong sân Lễ hội, những cái bắt tay, lời chúc tụng nhau trong lần gặp nhau đầu năm... đã tạo nên không khí thật náo nức, rộn ràng và đầy ý nghĩa. Ông Dương Ngư Long, một người con của xã Trung Lương (Định Hóa) đã rời xa quê 16 năm, nay mới có dịp về quê ăn Tết và tham gia Lễ hội. Ông Long xúc động cho biết: Sau ngần ấy năm xa quê, trở về quê ăn Tết lần này tôi thấy rất hãnh diện vì quê hương đã có nhiều đổi mới, cuộc sống của bà con ngày càng ấm no, đủ đầy hơn. Đặc biệt, hôm nay, được tham gia vào Lễ hội Lồng Tồng, nhiều cảm xúc dâng trào trong tôi thật khó có thể diễn tả nổi. Tôi như được sống lại những phút giây hạnh phúc khi còn trẻ, cùng chúng bạn đi đến Lễ hội, tham gia vào các trò chơi dân gian...

 

Góp phần tạo nên bức tranh đa sắc màu của sân Lễ hội năm nay còn có 31 lán trại đại diện cho 24 xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị, trường học đóng trên địa bàn huyện tham dự. Các trại được trang trí đẹp với các họa tiết văn hóa dân tộc. Cách sân Lễ hội không xa là Hội thi cấy với sự tham gia của đại diện các xã, thị trấn. Trong tiếng trống thúc giục, tiếng reo hò của người cổ vũ, các thôn nữ trong trang phục dân tộc Tày với đôi tay thoăn thoát cấy những hàng lúa thẳng tăm tắp. Chỉ một loáng các thôn nữ đã thực hiện xong phần thi của mình. Chiều cùng ngày, những trò chơi dân gian như: bịt mắt bắt dê, bắn nỏ, tung còn, đi cầu thăng bằng... diễn ra đồng loạt càng làm cho Đèo De trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết. Bà Lộc Kim Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội cho biết: Ngay từ trước Tết, huyện đã thành lập ban tổ chức Lễ hội. Theo đó, mỗi xã đều xây dựng chương trình kỹ càng để ngày hội thực sự vui tươi, lành mạnh, bổ ích và tiết kiệm.