Cạnh tranh là tất yếu của nền kinh tế thị trường. Trong giai đoạn hiện nay, khi thị trường vẫn chưa thoát khỏi khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thì vấn đề cạnh tranh lại càng trở nên gay gắt.
Cạnh tranh lành mạnh chính là nhân tố thúc đẩy phát triển nhưng cũng sẽ thụt lùi nếu cạnh tranh thiếu văn hóa. Có lẽ chưa bao giờ vấn đề cạnh tranh lại trở nên quan thiết mang tính sống còn đối với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên nói chung và thương hiệu thép TISCO nói riêng như giai đoạn hiện nay. Công ty này đang phải gồng mình tìm các đối pháp hợp lý nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm để có thể chiếm thị phần và tiêu thụ ổn định trên thị trường. Đối thủ cạnh tranh trực tiếp và nặng ký nhất của thép TISCO chính là thép Hòa Phát và các sản phẩm thép siêu rẻ nhập từ Trung Quốc. Đối với thép giá rẻ Trung Quốc, tuy không đáng lo ngại vì chất lượng thấp, không có thương hiệu, nhưng lại đang làm xáo trộn toàn bộ thị trường thép sản xuất trong nước. Giá thép cán Trung Quốc rẻ tới mức có lúc chỉ bằng giá phôi nguyên liệu sản xuất nội địa. Với TISCO, thép Hòa Phát là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất. Sản phẩm này vừa có thế mạnh cạnh tranh về chất lượng vừa cạnh tranh về giá cả. Theo giá so sánh trên thị trường thì thép Hòa Phát đang thấp hơn so với thép TISCO khoảng 700 nghìn đồng/tấn.
Xét về phương diện nội lực thì Hòa Phát đang có những thuận lợi hơn so với Gang thép Thái Nguyên bởi đây là tập đoàn tham gia hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, nên nếu khu vực sản xuất thép gặp khó khăn, các lĩnh vực khác có thể bù đắp. Bởi thế, theo lý thuyết thì có lúc Hòa Phát chấp nhận bán lỗ để giữ thị phần. Còn đối với Gang thép Thái Nguyên, chỉ với lĩnh vực duy nhất là sản xuất thép, có lượng lao động gấp 5 lần Hòa Phát nên chắc chắn sẽ thua thiệt về lợi thế cạnh tranh.
Tuy vậy, thời gian qua thép TISCO vẫn đứng vững trên thị trường, tiếp tục chiếm lĩnh và mở rộng thị phần. Thương hiệu này đang tạo được thế cân bằng trên thị trường với sự cạnh tranh sòng phẳng và lành mạnh. Được biết, thời gian qua, trước sức ép về thị trường, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã thực hiện một loạt biện pháp thị trường, trong đó đáng lưu tâm nhất chính là việc sắp xếp, tái cơ cấu lại toàn bộ hệ thống chi nhánh bán hàng. Chuyển chi nhánh sang văn phòng đại diện với nhiệm vụ bao chùm hơn gồm cả giới thiệu, quảng bá sản phẩm, chăm sóc khách hàng, và quản lý theo dõi địa bàn. Đồng thời, lựa chọn nhà phân phối cấp 1 có năng lực, kinh nghiệm trong kinh doanh sắt thép để ký hợp đồng trực tiếp. Nhà phân phối cấp 1 được quyền ký hợp đồng với nhà phân phối cấp 2 nhằm giảm chi phí trung gian và không gây chồng chéo địa bàn, khách hàng. Mặt khác, Công ty tăng cường tiết kiệm chi phí đầu vào, hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm, duy trì giá bán ổn định (tức là không tăng giá kể cả khi giá điện tăng), tạo sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường. Theo ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên thì những việc làm trên của đơn vị chính là biện pháp tối ưu để cạnh tranh. Ông Diệp khẳng định: Chúng tôi đã sử dụng ưu thế của sản phẩm và sự ổn định về giá cả của thép TISCO để làm vũ khí cạnh tranh. Đó chính là cạnh tranh sòng phẳng và có văn hóa.
Có thể nói, Gang thép Thái Nguyên chính là một trong những doanh nghiệp điển hình về cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, trong thực tế đây đó vẫn còn tồn tại những trường hợp sử dụng thủ đoạn để cạnh tranh mà thủ đoạn thì không cần đầu tư nhiều nhưng lại dễ khiến đối thủ điêu đứng. Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi đã không ít lần được chứng kiến cảnh doanh nghiệp này "đâm bị thóc, chọc bị gạo" doanh nghiệp kia để hạ uy tín đối thủ hoặc làm cho đối thủ suy sụp, từ đó nhân cơ hội giành lợi ích về mình. Gần đây, chuyện một doanh nghiệp nọ hoạt động trong lĩnh vực xử lý, tái chế rác thải trên địa bàn tỉnh âm thầm tung tin thất thiệt, xúi giục, kích động dư luận phản đối nhằm hạ bệ một đơn vị khác cùng lĩnh vực để rảnh tay chiếm toàn bộ nguồn thải nguyên liệu của đối tác nước ngoài. Nhưng cuối cùng kết quả là cả hai doanh nghiệp đều bị đối tác đánh trượt vì lý do thiếu năng lực, sở trường, không đảm bảo các phương án xử lý môi trường và vì vấn đề đạo đức kinh doanh.
Một trường hợp khác, dù đang rất thân cận, là đối tác làm ăn truyền thống của nhau, nhưng chỉ vì lợi ích kinh tế mà hai doanh nghiệp khai thác khoáng sản có tên tuổi trên địa bàn là Doanh nghiệp A và Doanh nghiệp B quay ra đối đầu, gây tổn hại uy tín của nhau. Chả là có một điểm mỏ khoáng sản nhưng cả hai doanh nghiệp nói trên đều cùng đề nghị xin cấp. Thấy khả năng đơn vị mình đuối lý hơn, Doanh nghiệp A nghĩ ngay cách tung tin trong dư luận để bôi nhọ Doanh nghiệp B, đồng thời năng đi lại với các cơ quan có thẩm quyền để tranh thủ nói xấu đối thủ. Hơn thế, Doanh nghiệp A còn lén lút đưa máy móc thiết bị vào khu vực điểm mỏ mà cả hai đang xin cấp để khai thác trộm, tạo ra sự tranh chấp gay gắt. Chính bởi điều đó mà công tác thẩm định cấp phép khai thác điểm mỏ nói trên bị kéo dài, có lúc phải tạm dừng để tập trung giải quyết tranh chấp. Mặc dù gặp nhiều trở ngại và tốn thêm không ít thời gian nhưng cuối cùng phần thắng vẫn thuộc về Doanh nghiệp B, bởi đơn vị này có đầy đủ năng lực, cơ sở pháp lý và thủ tục cần thiết.
Qua bài viết này, một thông điệp mà chúng tôi muốn nhắc đến chính là: Cạnh tranh là để tồn tại và phát triển. Khi doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, có đạo đức, có văn hóa thì sự tồn tại và phát triển đó mới bền chắc, lâu dài, còn doanh nghiệp nào có tư duy cạnh tranh chộp giật, thiếu sòng phằng, chứa đựng yếu tố bất minh thì trước sau doanh nghiệp ấy cũng tự gây họa cho mình.