Hiệu quả từ một đề án

16:43, 04/03/2015

Thái Nguyên là một trong những tỉnh trọng điểm về tệ nạn ma túy. Từ năm 2013, tỉnh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo thực hiện Đề án thí điểm mở rộng “Mô hình hỗ trợ cắt cơn, điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex tại gia đình và cộng đồng”. Sau 2 năm triển khai đã đem lại những kết quả tích cực, tỷ lệ không tái nghiện đạt tới 56,81%...

Đánh giá kết quả sau 2 năm thực hiện Đề án thí điểm mở rộng “Mô hình hỗ trợ cắt cơn, điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex tại gia đình và cộng đồng”, đồng chí Dương Ngọc Khải, Chi cục Trưởng chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định: Theo đánh giá của người bệnh và gia đình đều có chung nhận xét, thuốc Cedemex có tác dụng cắt cơn êm dịu hơn nhiều so với cai “khan, cai bo, cai không thuốc”.

 

Trên 85% người bệnh sau từ 3-5 ngày điều trị liều tấn công không còn cảm giác thèm, nhớ ma túy. Từ ngày thứ 14 trở đi, người cai nghiện đã ổn định tinh thần, sức khỏe tăng, làm chủ được bản thân, tham gia lao động sản xuất bình thường. Đây là ưu điểm rất lớn của điều trị cai nghiện bằng thuốc Cedemex so với các hình thức cai nghiện ma túy khác. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả bước đầu cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex mang lại, thì yếu tố để cai nghiện thành công và không tái nghiện trước hết phải có sự quyết tâm cao của chính người cai nghiện và sự động viên quan tâm của gia đình, cộng đồng. Sau 6 tháng điều trị, hầu hết người bệnh không còn lệ thuộc vào ma túy và đặc biệt là thuốc không có tác dụng phụ. Một số xã, phường, thị trấn có người tham gia Đề án nhiều, tỷ lệ chưa sử dụng lại ma túy cao như: Xã Phú Xuyên (Đại Từ) 8/8 người; phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) 9/12 người, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) 7/11 người…

 

Trao đổi cùng chúng tôi, anh Nguyễn Hoàng Nam, tổ 15, phường Quang Vinh, T.P Thái Nguyên - một trong những trường hợp điển hình tự cai nghiện tại gia đình thành công bằng thuốc Cedemex cho biết: Từ công nhân lắp máy có thu nhập ổn định tại một tổng công ty lớn đóng tại T.P Hồ Chí Minh, kinh tế khó khăn, đơn vị tinh giảm nhân công, mất việc, tuổi đã lớn lại không vợ con, tôi chán nản trở về Thái Nguyên và nhanh chóng sa vào ma túy khi bị bạn bè rủ rê.

 

Thuốc hỗ trợ điều trị nghiện ma túy Cedemex được Bộ Y tế đã cho phép ứng dụng tại các trung tâm cai nghiện từ năm 2004. Năm 2013, Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo đã phối hợp với Thái Nguyên mở rộng mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng bằng thuốc Cedemex. Sau 2 năm triển khai đã có 560 người nghiện thuộc 9 huyện, thành, thị tham gia hỗ trợ cắt cơn, điều trị nghiện ma túy bằng loại thuốc này, tỷ lệ người không tái nghiện đạt 56,81%, góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, giảm dần số người tái nghiện sau cai, giảm sự kỳ thị của xã hội với người nghiện ma túy.

Thương cha mẹ già, tôi cũng nhiều năm cố gắng cai nghiện bằng đủ cách nhưng không thành công. Đến khi gặp cô gái hiền lành ở địa phương nhận lời làm vợ, tôi có thêm động lực cai nghiện. Năm 2013, tôi được tham gia chương trình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng bằng thuốc Cedemex. Được hướng dẫn quá trình cai nghiện, kể cả khi cầm hộp thuốc trên tay, tôi cũng không tin tưởng lắm. Trong 5 ngày đầu tiên điều trị tấn công, khi ấy tôi chỉ thấy cơ thể mệt mỏi, muốn nằm một nơi yên tĩnh, không muốn ai làm phiền. Điều lạ, so với các phương pháp cai nghiện khác, khi cai nghiện bằng thuốc Cedemex không chỉ cắt được cơn, không có biểu hiện thèm thuốc lúc đến “ngưỡng”, không thấy đau đớn như kiểu có “dòi” bò trong xương, tủy”.

 

Theo tính toán, chi phí tiền thuốc cho một người cai nghiện bằng Cedemex trong 6 tháng khoảng gần 14 triệu đồng. Song ý nghĩa nhân văn của Đề án ở chỗ, người tham gia Đề án dùng thuốc Cedemex được ngân sách Nhà nước hỗ trợ rất lớn. Cụ thể hỗ trợ 100% cho người nghiện thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng; hỗ trợ 80% cho người thuộc gia đình hộ cận nghèo và 50% cho các đối tượng khác. Trong số 560 người tham gia Đề án trong 2 năm qua có 191 người thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách, chiếm 34,1%; 45 hộ thuộc diện hộ cận nghèo, chiếm 8,05% và 324 người thuộc diện khác.

 

Từ thành công bước đầu sau 2 năm thực hiện, năm 2015 Ban Chủ nhiệm Đề án đề ra mục tiêu hỗ trợ 180 người trở lên ở các xã, phường, thị trấn được hỗ trợ cắt cơn, điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex tại gia đình và cộng đồng. Tiêu chuẩn lựa chọn người tham gia Đề án ưu tiên người nghiện thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách theo pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, gia đình hộ cận nghèo và người nghiện ma túy thuộc lứa tuổi thanh niên, có tâm tư nguyện vọng lựa chọn biện pháp dùng thuốc Cedemex để cắt cơn, điều trị nghiện tại gia đình, cộng đồng… Có thể khẳng định, việc tiếp tục triển khai Đề án thí điểm mở rộng “Mô hình hỗ trợ cắt cơn, điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex tại gia đình và cộng đồng”  mở ra cơ hội lớn cho người nghiện ma túy làm lại cuộc đời.