Hộ cận nghèo “khát” vốn

14:15, 24/03/2015

Cho đến nay, mới chỉ có 30% trong tổng số 30 nghìn hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), trong khi nhu cầu được vay vốn của các đối tượng này là rất lớn.

Thực tế này đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc nhiều hơn nữa của các cấp, ngành… Toàn tỉnh hiện có xấp xỉ 30 nghìn hộ cận nghèo, trong khi đó, tính đến hết năm 2014, mới có 6.863 hộ có dư nợ tại NHCSXH (chiếm 23% trong tổng số hộ cận nghèo được vay vốn), với tổng số tiền 189 tỷ đồng (tăng gần 91 tỷ đồng so với năm 2013 - năm bắt đầu thực hiện chương trình cho vay hộ cận nghèo). Đến đầu năm 2015, với việc được phân bổ thêm nguồn vốn đợt 1 là 91,7 tỷ đồng, trong đó có 50 tỷ đồng bổ sung vào chương trình cho vay hộ cận nghèo (tương ứng với khoảng 1.600 hộ được vay) đã nâng tổng số hộ cận nghèo được vay vốn lên gần 8,5 nghìn hộ. Ngoài ra, có khoảng 25-30% số hộ cận nghèo đang còn dư nợ của hộ nghèo hoặc đang được vay theo chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Như vậy, vẫn còn khoảng ít nhất 50% số hộ cận nghèo chưa được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ để phát triển kinh tế gia đình.

 

Ông Lê Đình Bảng, xóm Chú 1, xã Bộc Nhiêu (Định Hóa) là một trong số những hộ có nhu cầu vay vốn hộ cận nghèo để phát triển kinh tế gia đình mà chưa được giải quyết. Ông Bảng cho biết: Từ năm 2013 trở về trước, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, sau đó đã thoát nghèo nhưng vẫn ở diện cận nghèo. Vợ chồng tôi năm nay đều đã ngoài 60 tuổi, không có khả năng làm ruộng nên đã cải tạo 8 sào ruộng thành ao để nuôi cá. Nhưng do thiếu vốn nên vợ chồng tôi không có điều kiện mua con giống và thức ăn để chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì thế, trung bình mỗi năm chỉ thu hoạch được 5-6 tạ cá, với số tiền bán được trên dưới 20 triệu đồng. Tôi mong sẽ sớm được vay từ nguồn vốn hộ cận nghèo từ 20-30 triệu đồng để gia đình tôi có điều kiện mua cá giống và thức ăn, từ đó có thêm thu nhập.

 

Theo ông Ma Đình Lương, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Định Hóa, với tổng số 8.653 hộ cận nghèo (chiếm 33,88% tổng số hộ trên địa bàn, tăng 1,37% so với cuối năm 2013 do nhiều hộ thoát nghèo chuyển sang diện cận nghèo), Định Hóa hiện là địa phương có tỷ lệ hộ cận nghèo nhiều nhất, nhì tỉnh. Tính cả nguồn vốn được cấp cho năm 2015 thì hiện toàn huyện mới có hơn 1.500 hộ (chiếm tỷ lệ 17,5%) được tiếp cận với nguồn vốn chương trình cho vay hộ cận nghèo và có khoảng 25-30% số hộ cận nghèo đang còn dư nợ ở chương trình cho vay hộ nghèo. Như vậy vẫn còn trên dưới 50% số hộ cận nghèo chưa được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Và nếu nguồn vốn hộ cận nghèo không được bổ sung một cách hợp lý trong thời gian tới thì tỷ lệ hộ cận nghèo không được vay vốn từ NHCSXH sẽ ngày càng tăng, bởi nhiều hộ khi đó sẽ hết thời hạn vay vốn hộ nghèo (có nhiều hộ vay vốn hộ nghèo với thời gian từ 3-5 năm nhưng sau 1-2 năm đã thoát nghèo, chuyển sang diện cận nghèo nên vẫn còn dư nợ hộ nghèo là vì thế). Và như thế, theo ông Ma Đình Lương người dân sẽ càng khó khăn hơn trong việc thoát nghèo một cách bền vững. Thực tế cũng cho thấy, nhiều hộ tuy đã thoát nghèo nhưng đời sống vẫn còn nhiều khó khăn và vẫn rất cần vốn để đầu tư cho chăn nuôi, trồng trọt. Khi nguồn vốn không đủ đáp ứng, họ buộc phải vay với lãi suất cao hơn ở ngân hàng thương mại, thậm chí vay nặng lãi của người quen hoặc phải đi mua chịu phân bón, thức ăn chăn nuôi với lãi suất cao… Tất cả điều này sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất của người dân và do đó, khả năng tái nghèo sẽ rất lớn.

 

Đồng tình với quan điểm này của ông Ma Đình Lương, bà Nguyễn Thị Mười, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đồng Hỷ cho rằng hộ cận nghèo cũng là đối tượng rất cần được tạo điều kiện về vốn vay để họ có điều kiện thoát nghèo bền vững, nếu không khả năng tái nghèo là rất lớn. Trong khi nguồn vốn cho hộ nghèo về cơ bản đã đủ đáp ứng thì đến nay mới có 27% hộ cận nghèo được vay vốn, với mức từ 26-27 triệu đồng/hộ, trong khi theo quy định mức tối đa là 50 triệu đồng/hộ.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Nguồn vốn cho vay của NHCSXH được thực hiện từ 2 nguồn, song chủ yếu vẫn là từ trung ương (chiếm tới hơn 98,5%), còn lại gần 1,5% (tương ứng với gần 30 tỷ đồng trong tổng nguồn vốn NHCSXH tỉnh đang quản lý là 2.209 tỷ đồng) là vốn ngân sách địa phương. Mức cho vay tối đa của hộ nghèo và cận nghèo theo quy định là ngang nhau và trong khi số lượng hộ cận nghèo còn nhiều hơn hộ nghèo thì hiện tổng dư nợ cho vay hộ nghèo là 867 tỷ đồng (chiếm 40% tổng dư nợ các chương trình) thì hộ cận nghèo mới được 240 tỷ đồng, trong số này có 50 tỷ đồng vừa được nguồn vốn của trung ương bổ sung của năm 2015. Trước nhu cầu về vốn của hộ cận nghèo còn rất lớn, NHCSXH tỉnh đã và đang tập trung dành nguồn vốn ngân sách địa phương để cho vay hộ cận nghèo; chỉ đạo những địa phương có số lượng hộ nghèo giảm nhiều chuyển nguồn vốn thu hồi được của những hộ thoát nghèo để cho vay hộ cận nghèo, trong đó ưu tiên những hộ chưa được tiếp cận với nguồn vốn chính sách được vay trước. Trên thực tế, tình trạng thiếu vốn cho vay hộ cận nghèo là thực trạng chung của các địa phương trên cả nước. Do đó, để góp phần giải quyết khó khăn này, rất cận sự chung tay của các cấp, ngành cũng như sự cảm thông, chia sẻ từ phía người dân.