Ngày 4-3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị về tái cơ cấu nông nghiệp. Dự hội nghị có đại diện các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp; đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.
Hội nghị đã nghe đồng chí Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin tóm tắt Đề án Tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của tỉnh Thái Nguyên. Trong đó tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, sử dụng hiệu quả tài nguyên, lao động phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất sản phẩm hàng hóa tập trung, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ cao, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, hiệu quả và sức cạnh tranh sản phẩm; nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, môi trường tỉnh Thái Nguyên.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, nhiệm vụ chủ yếu là quy hoạch vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa tập trung đối với các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực có thế mạnh; phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất, chế biến sản phẩm; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm hàng hóa trên cơ sở ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao; phát triển chế biến công nghiệp, chế biến công nghệ cao; phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mô hình sản xuất chuỗi đối với một số sản phẩm chủ lực.
Sau khi nghe ý kiến của các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đồng chí Đặng Viết Thuần đã nhấn mạnh: Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp là nhằm nâng cao sức cạnh tranh cũng như giá trị gia tăng của sản phẩm và phát triển bền vững ngành Nông nghiệp. Tái cơ cấu nông nghiệp là quá trình gắn với xây dựng nông thôn mới, là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài. Điều cốt lõi của tái cơ cấu nông nghiệp là nâng cao giá trị gia tăng. Quá trình hợp tác và liên kết trong sản xuất hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao; bảo đảm mối liên kết chặt chẽ giữa nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp mà trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong đầu tư, thu mua sản phẩm, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; cùng với đó là có sự giúp đỡ của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách…