Thái Nguyên có tổng diện tích đất tự nhiên là 353.101,7ha, trong đó đất quy hoạch cho lâm nghiệp gần 180.000 ha (chiếm 51,01%).
Trong Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xác định vùng Đông Bắc bộ, trong đó có Thái Nguyên là vùng nguyên liệu gỗ lớn của cả nước. Trên tổng số gần 180 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp có 80 nghìn ha rừng trồng (chiếm 44,4%). Thêm vào đó, mỗi năm nông dân trong tỉnh trồng được trên 5 nghìn ha rừng; sản lượng khai thác gỗ hằng năm đạt 450 nghìn m3, đây là nguồn nguyên liệu lớn và là lợi thế của tỉnh để phát triển ngành chế biến lâm sản (CBLS).
Từ năm 2000, hệ thống cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh tăng mạnh, đến nay có 991 cơ sở.. Mô hình sản xuất kinh doanh chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là sơ chế lâm sản với 516 cơ sở (chiếm 52,06%), sản phẩm chủ yếu là thang dát, nan nẹp, bao bì, gỗ bóc, cốt pha, nguyên liệu sản xuất giấy, nguyên liệu làm nấm… để phục vụ sản xuất trong tỉnh và xuất đi ngoại tỉnh, xuất khẩu. Sản xuất đồ mộc gia dụng có 427 cơ sở (chiếm 43,08%), sản phẩm chính là giường tủ. bàn ghế, cửa, đồ gia dụng được sản xuất theo đơn đặt hàng của các tổ chức, hộ gia đình. Tổng số máy móc, thiết bị chế biến lâm sản hiện có 2.854 chiếc, nhưng chủ yếu là thiết bị thô sơ, có công suất nhỏ để gia công chế biến gỗ như máy tiện, máy bào, máy xẻ gỗ; chỉ có ít doanh nghiệp có máy đục hiện đại.
Các cơ sở chế biến lâm sản tập trung chủ yếu ở đô thị, vùng đông dân cư, nơi có cơ sở hạ tầng tốt thuận lợi cho việc sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; góp phần giải quyết và tạo việc làm cho 3.537 lao động. Hầu hết công nhân chưa được đào tạo trong các trường dạy nghề, chủ yếu là do doanh nghiệp tự đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật. Những người thợ có tay nghề cao thường được các doanh nghiệp trả lương từ 4,5 đến 5,5 triệu đồng/tháng; còn lao động thủ công thu nhập từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/tháng. Vốn đầu tư của các doanh nghiệp chủ yếu là tự thân và vốn vay các ngân hàng thương mại; một số hợp tác xã CBLS được vay hỗ trợ 250 triệu đồng/cơ sở với lãi suất 0,65%/ năm.
Anh Mông Văn Vương, một chủ xưởng sản xuất gỗ bóc tại xóm Hòa Lâm, xã Tân Thành (Phú Bình) cho biết: Với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện và vốn tích cóp được, năm 2013, gia đình đã đầu tư trên 400 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng với diện tích trên 400m2, mua hệ thống máy móc và 1 chiếc xe ô tô tải chuyên chở nguyên vật liệu. Cơ sở chế biến gỗ của gia đình chủ yếu sử dụng các loại gỗ bạch đàn và keo, được thu mua tại các hộ trồng rừng trên địa bàn huyện. Hiện mỗi ngày, xưởng của gia đình chế biến khoảng 15m3 gỗ các loại, cung cấp cho thị trường 800m3 ván ép mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, với thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng.
Qua khảo sát các cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh thì nguồn nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp chủ yếu theo các nguồn: cơ sở sản xuất đồ mộc gia dụng, nguồn nguyên liệu chính là gỗ khai thác từ rừng tự nhiên trong nước được nhập từ tỉnh ngoài như Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang và nguồn gỗ nhập khẩu chủ yếu từ Lào, Trung Quốc, Indonesia, Nga khoảng 9.000m3 gỗ/năm và gỗ khai thác từ vườn rừng, vườn nhà cây trồng phân tán, gỗ tận thu, tận dụng trong rừng tự nhiên trên địa bàn khoảng 2.000m3/năm…
Đối với các cơ sở sơ chế gỗ thì nguyên liệu chủ yếu là gỗ rừng trồng và một phần nhập từ tỉnh khác như Cao Bằng, Bắc Kạn, tổng số gỗ sử dụng là 130.000m3/năm. sản phẩm là cốt pha, nan nẹp, bao bì, gỗ băm làm nguyên liệu giấy, nguyên liệu nấm, thang, dát giường. Theo các sơ sở CBLS thì việc sử dụng nguyên liệu gỗ khai thác từ rừng trồng gặp nhiều khó khăn và giá thành tương đối cao do gỗ khai thác từ rừng trồng đều là gỗ nhỏ và gỗ non nên năng suất, chất lượng thấp, phế phẩm nhiều nhưng không có công nghệ chế biến để sử dụng triệt để. Phần đông người dân ít sử dụng những sản phẩm từ gỗ rừng trồng.
Năm 2014, sản phẩm gỗ xuất xưởng là 149.883m3, trong đó gỗ nguyên liệu: 77.647 tấn; đồ gia dụng: 7.486m3; gỗ xây dựng 64.88.m3. tổng doanh thu của các cơ sở CBLS đạt 203,5 tỷ đồng. Trong hai tháng đầu năm 2015, đã kiểm tra, giám sát được hơn 16.000 m3, trong đó khai thác rừng trồng tập trung gấn 4.700m3.
Tuy nhiên, sự hình thành và phát triển ngành chế biến và thương mại lâm sản của tỉnh thời gian qua vẫn còn mang tính tự phát và phát triển chưa cân đối. Sản phẩm chủ yếu vẫn là nguyên liệu thô, chưa thực sự bền vững và chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Nhiều cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư; thiếu mặt bằng sản xuất và chủ cơ sở chế biến lâm sản chưa chú trọng đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại để sản xuất các sản phẩm tinh chế đáp ứng yêu cầu thị trường. việc sản xuất các sản phẩm gỗ do các cơ sở, doanh nghiệp tự tìm hiểu thông tin thị trường, khách hàng. Không có sự liên kết trong sản xuất giữa các cơ sở chế biến trong tỉnh để nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm. Giá của sản phẩm phụ thuộc vào thỏa thuận giữa người mua và người bán. Những bất cập trong quá trình phát triển ngành nghế chế biến và thương mại lâm sản đã bộc lộ, thiếu tính quy hoạch và mất cân đối giữa chế biến và nguyên liệu, các chỉ tiêu năng suất và hiệu quả còn thấp. các chính sách hỗ trợ về vốn đầu tư của Nhà nước các doanh nghiệp chưa tiếp cận được, chủ yếu do doanh nghiệp đầu tư và vay từ các ngân hàng thương mại có lãi suất cao. Chưa có sự gắn kết giữa công tác trồng rừng với chế biến lâm sản, quy hoạch rừng tập trung.
Với mục tiêu đến năm 2020, tỉnh ta sẽ đưa công nghiệp chế biến lâm sản trở thành mũi nhọn kinh tế của ngành và đống góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương; quy hoạch mạng lưới chế biến lâm sản gắn với vùng, nguồn nguyên liệu ổn định, sử dụng nguyên liệu từ rừng trồng, chuyển hướng từ chế biến thô sang chế biến tinh, sâu. Để thực hiện tốt, ngoài việc tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở sản xuất hiện có, khuyến khích đầu tư xâu dựng mới các cơ sở sản xuất hiện đại, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng theo chuỗi khép kín; hình thành các khu công nghiệp chế biến gỗ tập trung tại các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Song song với đó là các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu cho CBLS ổn định, bền vững; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm…