Lỗi không chỉ riêng người dân

16:30, 04/03/2015

Như thông tin Báo Thái Nguyên đã đưa, vào khoảng 18 giờ 30 phút ngày 28-2, tại khu vực núi Bờ Cò thuộc xóm Duyên, xã Ký Phú (Đại Từ) đã xảy ra vụ cháy khiến nhiều diện tích rừng sản xuất của người dân bị thiệt hại.

Theo người dân và các đơn vị chức năng, nguyên nhân không chỉ do chủ quan của người dân. Có mặt tại khu rừng bị cháy vào trưa ngày 2-3, chúng tôi thấy thực bì trên bề mặt núi Bờ Cò đã bị cháy rụi, để lại một lớp tro đen. Rừng keo trồng tại khu vực này đã cao khoảng 5, 6m bị táp héo lá, nhiều thân cây cháy đen. Đứng trên đống tro tàn sau vụ cháy, ông Phạm Minh Lý, Trưởng xóm Duyên cho biết: “Khoảng 18 giờ 30 phút ngày 28-2, khi tôi đang ở nhà thì nhận được điện thoại của chị Bùi Thị Dinh, người cùng xóm báo có đám cháy trên núi Bờ Cò. Ngay lập tức, tôi dùng loa thông báo tới toàn thể bà con nhân dân, điện thoại đến những người có trách nhiệm của xã, rồi mang dao phát, hô hoán, gọi hơn 20 người dân trong xóm lên hiện trường. Đến khoảng hơn 19 giờ, gần 50 người dân xóm Duyên cùng cán bộ xã Ký Phú, kiểm lâm đã có mặt tham gia dập lửa”.

 

Cũng trực tiếp tham gia chữa cháy tối 28-2, ông Vũ Đức Chương, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Ký Phú (thuộc Trạm Kiểm lâm Quân Chu) cho biết: “Hôm đó, ngọn lửa cháy lớn và lan nhanh, cùng với nhân dân xã Ký Phú, hơn 50 người dân xã Lục Ba cũng tham gia dập lửa. Tuy nhiên, ngọn lửa bốc cao 4, 5m, gió thổi mạnh nên việc chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn, đến khoảng 23 giờ 30 phút, chúng tôi mới cơ bản khống chế được đám cháy”. Theo biên bản kiểm tra xác minh của các đơn vị chức năng ngày 1-3, đám cháy đã thiêu rụi 5,5ha cây bụi, rừng keo của 26 gia đình. Trong đó, hơn 2,5ha là thực bì xen kẽ với cây keo nằm rải rác, còn 3ha rừng keo bị cháy (mật độ khoảng 1 nghìn cây/ha). Rừng keo đã đến tuổi khai thác và đám cháy được dập tắt kịp thời nên người dân vẫn có thể khai thác, giá trị thiệt hại chưa lớn.

Được biết, khu vực núi Bờ Cò nằm cánh khu dân cư không xa (khoảng 100m) tuy nhiên con đường vào đây chỉ là những bờ ruộng nhỏ nên khi xảy ra cháy rất khó khăn cho lực lượng tham gia chữa cháy. Anh Nguyễn Văn Long ở xóm Duyên, xã Ký Phú (người trực tiếp tham ra chữa cháy rừng hôm 28-2) cho biết: Khi có thông tin cháy, chúng tôi phải đi qua đường bờ ruộng nên rất chậm. Khu vực núi Bờ Cờ không có đường băng phòng cháy nên để tiếp cận đám cháy rất khó khăn, cùng với đó là việc “mạnh ai nấy làm” nên việc chữa cháy chưa thực sự hiệu quả. Vì không có đường vận chuyển gỗ khi khai thác nên nhiều năm qua người dân không mặn mà với việc phát triển rừng. Nhà tôi có ít diện tích keo đến tuổi được khai thác nhưng không có đường vận chuyển nên chưa khai thác…

 

Lý giải về việc ở đây không có tuyến đường băng để tạo thuận lợi cho việc khai thác gỗ của người dân cũng như dễ dàng chữa cháy khi có sự cố xẩy ra. Ông Vũ Văn Mạch, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Quân Chu (đơn vị quản lý rừng ở xã Ký Phú) thông tin: Chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên về việc làm tuyến đường vào đây và các đường băng ở khu vực này. Tuy nhiên, do chưa có nguồn kinh phí nên chưa thực hiện được. Còn ông Trần Văn Là, Phó Chủ tịch UBND xã Ký Phú cho biết: “Xã đã tổ chức các tổ, đội phòng cháy, chữa cháy rừng, tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi phương án phòng chống cháy rừng đến từng người dân. Đồng thời yêu cầu người dân dọn sạch thực bì, phát quang cây bụi; nghiêm cấm không được mang lửa, công cụ gây cháy vào rừng, đốt dọn thực bì. Tuy nhiên, người dân vẫn chủ quan, không thực hiện, để mặc cỏ bụi, lau lách mọc rậm dẫn đến dễ xảy ra cháy rừng. Tới đây, sau khi thống kê thiệt hại của các hộ dân, địa phương sẽ cho người dân khai thác và tiến hành trồng rừng kế tiếp.

 

 Nhưng, theo chúng tôi, việc để xảy ra cháy rừng với diện tích lớn như vậy, trách nhiệm trước hết thuộc về cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng. Đó là chưa có sự kiểm tra, dự báo cháy và các phương án hiệu quả để phòng chống cháy rừng; hiệu quả tuyên truyền trong dân chưa cao. Có mặt tại khu cháy, chúng tôi thấy lớp thực bì dày, đường băng giải để thuận tiện cho việc chữa cháy khi có sự cố xảy ra không có. Mặc dù nơi này rất dễ xảy ra cháy nhưng không có biển cảnh báo… việc phát triển rừng sản xuất để nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ rừng chưa được trú trọng. Vụ cháy năm 2013 và vụ cháy hôm 28-2 vừa qua vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cũng như đối tượng gây cháy để xử lý… Những nguyên nhân đã dẫn đến ý thức của người dân trong phòng cháy chữa cháy rừng chưa được cao và khó khăn cho công tác chữa cháy khi sự cố xảy ra.

 

Toàn tỉnh hiện có khoảng khoảng 360.000ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, trong đó huyện Đại Từ có 29.542ha nên việc phòng cháy, chữa cháy rừng cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa. Mặc dù năm 2014, trên địa bàn huyện Đại Từ chưa xảy ra cháy rừng nhưng không vì thế mà vấn đề này được xem nhẹ. Vì vậy, các ngành chức năng, chính quyền địa phương, người dân nên nêu cao cảnh giác, thường xuyên quan tâm, ngăn chặn nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra.