Ô nhiễm môi trường từ ngòi Úc Kỳ

08:58, 17/03/2015

Nằm trên trục đường chính của xã, lâu nay ngòi Úc Kỳ (Phú Bình) trở thành bãi rác thải “tiện lợi” cho người dân địa phương.

Các loại rác thải sinh hoạt được xả ra trôi nổi, hòa cùng dòng nước, rồi đổ ra sông Cầu. Thực trạng này đã gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan và hơn cả là ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân xung quanh. Giải quyết vấn đề này thế nào vẫn đang là bài toán khó của lãnh đạo địa phương.

 

Mỗi lần đi ngang qua đây, ai cũng đều chung một cảm giác khó chịu. Lượng rác được xả ra mỗi ngày thêm nhiều, dày đặc hơn. Từ những túi ni lông đựng rau cỏ, giấy bóng, rác rưởi mắc trên cành tre, những chai lọ cho đến những bao tải chứa gà, lợn chết, chó chết… đều được người dân xả một cách “hồn nhiên” xuống ngòi. Rác thải không phân hủy được nên bồng bềnh trên mặt nước rồi dồn ứ vào chân cầu, đập nước gây lên mùi xú uế nồng nặc khó chịu. Nhìn quang cảnh ở đây rất mất vệ sinh, phản cảm.

 

 Là con ngòi dẫn nước chính phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con nhân dân cả hai bên cánh đồng, nên lượng nước ở đây lúc nào cũng nhiều. Theo một số người dân, trước đây, hai bên bờ có hai dặng dừa nhìn rất đẹp và thơ mộng với những bờ cỏ xanh ngắt. Nhưng qua thời gian nên cứ lụi dần bây giờ chỉ còn những bụi tre, bụi chuối. Cây cầu nhỏ bắc qua ngòi, nối giữa hai miền: Hồng Kỳ và miền Ngọc Long giờ trở thành điểm đứng thuận lợi cho bà con vứt rác. Sáng ra nhiều người đi làm lại mang rác theo vứt luôn cho tiện. Có những người sợ người khác nói nên vứt vào sáng sớm hoặc ban tối. Cứ thế, mức độ ô nhiễm ngày càng nặng hơn. Ông Dương Văn Thạch, xóm Ngoài 1 cho biết: Là xóm nằm gần con ngòi nhất nên chúng tôi chịu nhiều ảnh hưởng, mỗi lần ra đồng là hít phải cái mùi hôi đó, chưa kể là tưới rau, rửa cỏ hay bơm nước lên ruộng… Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với lãnh đạo xóm, xã để giải quyết, nhưng đến nay vẫn không có gì biến chuyển.

 

Ông Dương Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Úc Kỳ cho biết: Khi thấy có hiện tượng xả xác xuống ngòi của người dân địa phương chúng tôi đã nhắc nhở và để biển cấm, nhưng không có nhiều tác dụng. Đặc biệt, năm 2013, xã được đầu tư xây dựng đập Múc Thói phục vụ nước tưới sản xuất cho bà con hai bên cánh đồng thì tình trạng xả rác tại đây càng nhiều hơn, gây ô nhiễm nặng. Vấn đề rác thải ở Úc Kỳ từ lâu đã là mối trăn trở rất lớn của chúng tôi, nhất là khu vực miền Hồng Kỳ, nơi có đông dân cư sinh sống, buôn bán. Theo kế hoạch, UBND xã giao cho Hội Phụ nữ trực tiếp triển khai, thành lập các tổ thu gom rác và mua diện tích đất rộng 360m2 cạnh khu vực này để làm điểm trung chuyển rác, hợp đồng với Công ty Môi trường để vận chuyển rác về bãi xử lý. Hội đang loay hoay tính toán làm sao để cân đối thu số hộ, số để trả thù lao cho tổ thu gom xứng đáng. Song trước mắt vẫn cần tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân không vứt rác bừa bãi.

 

 Đúng là rác thải, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng không chỉ với Úc Kỳ mà còn với nhiều địa phương khác trên toàn tỉnh. Tuyên truyền để người dân thay đổi ý thức là một phần, nhưng quy hoạch và xử lý rác thải nông thôn thế nào lại càng quan trọng hơn. Chỉ khi nào người dân có nơi tập kết, xử lý rác phù hợp thì tình trạng vứt rác ra sông, suối, ao ngòi hay những nơi công cộng mới thực sự chấm dứt.