Tăng cường công tác phòng chống dịch LMLM trên gia súc

14:35, 24/03/2015

Thời gian gần đây, ở một số tỉnh miền núi phía Bắc đã xuất hiện một số ổ dịch lở mồm, long móng (LMLM) trên đàn gia súc như ổ dịch trên trâu bò tại tỉnh Bắc Kạn và trên lợn ở tỉnh Lào Cai khiến nhiều gia súc mắc bệnh.

Nguyên nhân phát sinh các ổ dịch chủ yếu là do nhập lậu lợn nái thải loại đã bị mắc bệnh qua biên giới các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai và vận chuyển gia súc từ vùng có ổ dịch LMLM cũ. Bên cạnh đó, việc tiêm phòng vắc xin LMLM cho đàn gia súc tại một số địa phương không được bảo đảm do tập quán chăn nuôi thả rông gia súc của một số người dân; thêm vào đó, thời tiết lạnh kết hợp với mưa phùn, độ ẩm cao cũng là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát sinh và lây lan.

 

Năm qua, dù dịch LMLM không xuất hiện trên địa bàn tỉnh song nguy cơ dịch lây lan rất cao, do vậy, công tác tiêm phòng dịch bệnh được ngành Nông nghiệp triển khai có hiệu quả, đặc biệt là công tác triển khai tiêm phòng sớm tạo miễn dịch chủ động cho đàn vật nuôi đã góp phần kiểm soát, khống chế dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Kết quả, vắc xin LMLM trâu, bò, lợn là 227.225 liều, đạt 119% kế hoạch năm. Có được kết quả đó là do các trang trại đã triển khai tiêm được nhiều đợt trong năm và tiêm nhắc lại, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc nuôi mới.Công tác kiểm dịch động vật, kiểm sát giết mổ, vệ sinh thú y động vật và sản phẩm động vật cũng được tăng cường và duy trì thường xuyên. Hoạt động của Trạm kiểm dịch động vật nội địa hoạt động ổn định, nề nếp, các chủ hàng, chủ phương tiện vận chuyển đã chấp hành tốt quy định về vận chuyển động vật và sản phẩm động vật lưu thông qua địa bàn tỉnh. Năm qua, tổng số phương tiện được kiểm tra là 3.018 con với tổng số động vật được kiểm tra là 899.899 con, trong đó, trâu, bò, lợn là 73.090 con. Hiện các địa phương cũng đã triển khai tiêm phòng vụ xuân hè cho đàn gia súc (từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 4).

 

Tính đến giữa tháng 2-2015, toàn tỉnh có 107.805 con trâu, bò (tăng 2,67% so với cùng thời điểm năm 2014) và 530.250 nghìn con lợn (tăng 3,97% so với cùng thời điểm năm 2014). Vì thế, việc chủ động phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh, hạn chế nguy cơ tái phát từ các ổ dịch cũ, khống chế lây lan dịch bệnh để bảo đảm an toàn, ổn định dịch bệnh cho đàn gia súc trên địa bàn tỉnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Nông nghiệp. Ngành đã phối hợp với các địa phương tích cực triển khai các thực hiện các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Chỉ đạo Trạm Thú y phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện ký cam kết đối với các hộ kinh doanh, buôn bán, thu gom vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; triển khai công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng tại các vùng có nguy cơ cao xảy ra dịch trên địa bàn tỉnh. Thực hiện công tác tuyên truyền đến tận hộ chăn nuôi thường xuyên quét dọn, phun khử trùng, rắc vôi bột ở nơi ra vào chuồng trại để giảm thiểu mức độ lây lan của dịch bệnh; thực hiện chăm sóc nuôi dưỡng tốt nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Tăng cường công tác kiểm dịch, giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; phối hợp với các lực lượng tăng cường công tác kiểm dịch, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

 

Mặc dù đã tăng cường công tác dự báo, tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh LMLM để có biện pháp xử lý kịp thời song vẫn còn nhiều yếu tố bất lợi như tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc diễn biến phức tạp; thời tiết diễn biến bất thường, công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ chưa được kiểm soát chặt chẽ, dịch bệnh truyền nhiễm luôn tiềm ẩn… là những thách thức, khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, do vậy nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh tại các ổ dịch cũ, lây lan từ các địa phương khác vào địa bàn tỉnh là rất cao nếu không áp dụng đồng bộ quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc.

 

Ngày 20-3-2015, UBND tỉnh đã có Công văn chỉ đạo tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch LMLM  và ngăn chặn việc nhập lậu gia súc qua biên giới, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở ngành liên quan và các địa phương chuẩn bị sẵn các biện pháp phòng, chống dịch, thường xuyên theo dõi diễn biến của dịch LMLM trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận để có biện pháp xử lý kịp thời khu xuất hiện dịch, không để lan ra diện rộng. Chỉ đạo các chốt kiểm dịch động vật tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc vận chuyển gia súc trên địa bàn tỉnh; kịp thời báo cáo xử lý khi phát hiện hành vi vận chuyển buôn bán động vật không rõ nguồn gốc. Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người dân về tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; biện pháp phòng chống, dịch bệnh LMLM gia súc để ổn định phát triển chăn nuôi, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe con người.