Tạo sinh kế dưới tán rừng phòng hộ

14:49, 03/03/2015

Cuối năm 2014, Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (Hà Nội) phối hợp với huyện Phú Lương triển khai mô hình nuôi giun quế trên địa bàn huyện.

Đây là mô hình nhằm giúp cho người dân, đặc biệt là những hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ dân tộc thiểu nhận quản lý có diện tích rừng phòng hộ tăng thu nhập, giảm phụ thuộc vào rừng. Sau một thời gian triển khai, mô hình này bước đầu đã đem lại nhiều triển vọng.

 

Phú Lương là huyện có diện tích rừng phòng hộ khá lớn, với hơn 3.500ha/13.500ha rừng toàn huyện. Diện tích rừng phòng hộ thường nằm ở những xã vùng sâu, xa - nơi đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập chính chủ yếu phụ thuộc vào rừng. Tuy nhiên, theo quy định, rừng phòng hộ chỉ được khai thác tỉa khi được cấp phép lại là “rào cản”, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Để giúp người dân giảm phụ thuộc vào rừng phòng hộ, tạo điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập nhằm tránh tình trạng chặt phá trái phép rừng phòng hộ, tháng 8-2014, Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (Hà Nội) đã phối hợp với huyện Phú Lương triển khai mô hình nuôi giun quế đến 7 xóm: Đồng Nghè 2 (xã Động Đạt); Đồng Xiền, Đồng Mỏ, xóm Ó (xã Yên Lạc); Thâm Trung, Bản Cái, Na Pặng (xã Ôn Lương).

 

Đối tượng tham gia mô hình là những hộ dân có nhiều diện tích rừng phòng hộ, trong đó khuyến khích các hộ nghèo, gia đình có phụ nữ làm chủ hoặc những hộ là người dân tộc thiểu số. Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lạc cho biết: Cái hay của mô hình là giúp người dân có thể tận dụng được những phế phẩm, phụ phẩm từ sinh hoạt hàng ngày như: Phân trâu, bò, lợn; gốc các loại rau… làm “môi trường” sống nuôi giun và giun sẽ là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng để chăn nuôi gia súc, gia cầm, giúp người dân giảm được chi phí chăn nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hiện, trên địa bàn xã có khoảng gần 50 hộ thuộc 3 xóm: Đồng Xiền, Đồng Mỏ và xóm Ó đang tham gia mô hình này.

 

Bên cạnh được hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi giun quế, tham gia mô hình, người dân còn được hỗ trợ 50% giá giống (mua giống tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ). Chị Hầu Thị Cường, xóm Đồng Xiền, xã Yên Lạc cho biết: Giun Quế là loài động vật dễ nuôi. Lúc đầu tôi chỉ mua 2kg sinh khối giun (gồm giun giống và đất nuôi) nhưng nay đã nhân giống lên được trên 1 tạ sinh khối giun. Chính vì có nguồn thức ăn này nên gia đình tôi đang đồng thời đầu tư nuôi gần 200 con gà thịt, hiện đang chuẩn bị được xuất bán, trung bình mỗi con nặng khoảng từ 1,5kg đến gần 2kg.

 

Là một trong những hộ khá “rành” về kỹ thuật nuôi giun quế, anh Trần Văn Sỹ, ở xóm Đồng Xiền, xã Yên Lạc đã chia sẻ về kỹ thuật nuôi giun nhanh lớn, không bị mắc dịch bệnh. Theo anh Sỹ, trong quy trình kỹ thuật nuôi giun quế thì việc phủ kín bể nuôi, bảo đảm độ tối cho giun lên ăn và quấn vào nhau sinh sản là rất quan trọng. Trước khi thả giống, phân trâu, bò cần được ủ hoai từ 3-5 ngày nhằm tránh sót gây chết giun. Sau thời gian khoảng 75 ngày thả, có thể trộn giun với cám ngô dùng để chăn gà, vịt hoặc cho gà, vịt ăn trực tiếp (mỗi tuần 2 lần), nhờ đó gà sẽ lớn rất nhanh, thịt thơm, săn chắc hơn hẳn so với kiểu chăn thông thường... Với những kỹ thuật trên, từ 2kg sinh khối giun mua ban đầu, hiện anh Sỹ đã nhân giống được khoảng 1 tạ sinh khối giun, đồng thời cũng nuôi 150 gà thả đồi. Anh Sỹ cho biết thêm: Gia đình tôi có 5ha rừng phòng hộ. Trước kia, nguồn thu nhập chủ yếu từ rừng. Tuy nhiên, từ khi bắt đầu nuôi giun quế, đầu tư chăn nuôi thêm gà; nuôi trâu vừa lấy sức cày, vừa lấy phân chăn giun thì gia đình tôi sẽ có thêm nhiều nguồn thu hơn. Dự kiến chỉ khoảng 10 ngày nữa, đàn gà của gia đình tôi sẽ được suất bán.

 

Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Lương đã có trên 300 hộ dân tham gia mô hình nuôi giun quế, tăng gần 200 hộ so với thời điểm mới triển khai. Ông Trần Minh Quyết, điều phối viên Dự án (thuộc UBND huyện Phú Lương) cho biết: Mục tiêu quan trọng của Dự án là giúp người dân tìm và hướng đến nguồn sinh kế mới nhằm giảm áp lực vào rừng. Từ đó, tránh được tình trạng chặt phá rừng trái phép rừng phòng hộ. Nuôi giun quế chỉ là một trong nhiều hoạt động của Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững mới triển khai nhưng bước đầu đã cho thấy có nhiều triển vọng. Bên cạnh mô hình nuôi giun quế, Trung tâm còn triển khai một số hoạt động như: Vay vốn, quỹ tín dụng thôn bản tự quản, xây dựng kế hoạch kinh doanh phát triển kinh tế, nâng cao năng lực về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và sắp tới sẽ triển khai thêm mô hình nuôi ong dưới tán rừng phòng hộ.