Thêm nhiều cơ hội chọn ngành và trúng tuyển

08:51, 20/03/2015

Kỳ thi THPT Quốc gia sẽ diễn ra trong 4 ngày từ 1 – 4/7/2015. Thí sinh sẽ nộp hồ sơ đăng ký dự thi từ ngày 1/4 đến hết 30/4/2015.

Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã hoàn chỉnh và công bố phương án tuyển sinh, theo đó thí sinh sẽ có thêm nhiều lựa chọn ngành nghề và cơ hội trúng tuyển.

 

Năm 2015, ĐHTN có kế hoạch tuyển sinh 11.810 chỉ tiêu vào đại học (tăng trên 600 chỉ tiêu so với năm 2014) và 1.690 chỉ tiêu vào học hệ cao đẳng. Căn cứ quy định về  kỳ thi THPT Quôc gia năm nay, ĐHTN đã xây dựng phương án tuyển sinh theo hai phương thức: Phương thức dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia (áp dụng cho tất cả các trường, khoa thuộc Đại học Thái Nguyên) và phương thức xét tuyển theo học bạ THPT (trên cơ sở học sinh đã được tốt nghiệp THPT). Phương thức xét tuyển theo kết quả học tập trên học bạ THPT được ĐHTN áp dụng trong xét tuyển thí sinh vào học Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật (theo Quy chế Đề án tuyển sinh riêng được Bộ Giáo dục và đào tạo cho phép), chỉ tiêu trên  1.500 đối với các trường đại học, tăng gần 500 chỉ tiêu so với năm 2014. Theo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2015 của Bộ Giáo dục và đào tạo, kỳ thi THPT Quốc gia áp dụng cho các trường đại học láy kết quả xét tuyển thì thí sinh bắt buộc phải tham gia theo cụm thi do đại học tổ chức, hoặc chủ trì. Theo đó, nếu xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia thì chỉ xét các thí sinh thi tại cụm do các đại học chủ trì. Tuy nhiên, đối với thí sinh thi tại các cụm thi địa phương vẫn được xét tuyển bằng kết quả học tập được ghi trong học bạ THPT (áp dụng cho cá ngành xét tuyển, không lấy kết quả thi tuyển).

 

Thời gian nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo học bạ THPT, đợt 1: Từ khi có kết quả tốt nghiệp THPT đến trước ngày 30/8/2015; đợt 2: Từ ngày 30/8/2015 đến ngày 20/9/2015. Theo Đề án tuyển sinh riêng, việc tổ chức thi tuyển và xét tuyển cho phép lựa chọn được các sinh viên có đủ điều kiện về kiến thức văn hóa (thông qua mức điểm tối thiểu về kết quả học tập ở phổ thông trung học) và có năng khiếu (thông qua thi tuyển các môn năng khiếu)  của 2 ngành thuộc Trường Đại học Sư phạm (Giáo dục Mầm non và Giáo dục Thể chất). Điều kiện đảm bảo chất lượng của việc xét tuyển và thi tuyển này được ràng buộc bởi kết quả học tập và rèn luyện tại trường THPT. Ưu điểm của phương án đưa ra là giảm việc gây áp lực trong quá trình tuyển sinh đại học, cao đẳng cho thí sinh; đáp ứng nguồn nhân lực và các ngành nghề mà xã hội đang cần; phù hợp với đặc thù các ngành đào tạo của trường và với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; định hướng được việc lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh THPT; đảm bảo chất lượng và năng khiếu theo yêu cầu của ngành; không gây phức tạp cho xã hội và tốn kém cho thí sinh.

 

Tuy nhiên, nhược điểm là: Thí sinh có thể nộp nhiều hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học các ngành khác (tồn tại số ảo khi xét tuyển). Đặc biệt, kỳ tuyển sinh Năm 2015 này, ĐHTN dành trên 500 chỉ tiêu cho một số ngành đối với các thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, khi xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia thì được xét tuyển ở mức Tổng điểm 3 môn thi của tổ hợp xét tuyển thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 1,0 điểm và phải học bổ sung kiến thức 1 học kỳ trước khi vào học chính thức. Năm 2015, ĐHTN bổ sung thêm hai ngành học mới với hệ cao đẳng là tiếng Anh và tiếng Hàn Quốc, nhằm đáp ứng nhu cầu việc làm của các địa phương tại các khu công nghiệp. Đến nay, công tác chuẩn bị tổ chức thi đã được các trường thành viên ĐHTN chuẩn bị xong và sẵn sàng phục vụ kỳ thi.

 

Theo nhận định của ĐHTN, kỳ thi năm nay, nhiều thí sinh vẫn đang loay hoay với quá nhiều nguyện vọng xét tuyển nhưng không biết làm thế nào để cơ hội trúng tuyển cao nhất. Theo quy định xét tuyển năm nay, mỗi thí sinh sau khi nhận được 4 giấy chứng nhận kết quả thi tương ứng với các nguyện vọng (NV) sẽ được đăng ký tối đa 4 NV nhỏ vào 4 ngành khác nhau của một trường ở mỗi đợt xét tuyển. Riêng ở NV1, trong thời gian 20 ngày xét tuyển, thí sinh có quyền rút hồ sơ không giới hạn số lần để gửi vào trường khác nếu thấy kết quả xét tuyển không khả quan. Với quy định này, mỗi thí sinh có nhiều hơn 16 NV, nếu “chịu khó theo dõi và rút hồ sơ. Em Nguyễn Văn Minh-Trường THPT Ngô Quyền, T.P Thái Nguyên cho biết: “Hầu hết các trường top trên, các khoa “hot” đều tuyển đủ hoặc gần đủ chỉ tiêu ở NV1, vì vậy trong thời gian xét tuyển NV1 nếu theo dõi cơ hội trúng tuyển không cao thì em sẽ rút hồ sơ để gửi sang trường khác. Xét tuyển ở các NV bổ sung em sợ sức cạnh tranh sẽ cao hơn nếu muốn vào khoa, trường mình thích”. Tuy nhiên, Minh cũng băn khoăn không biết nên rút hồ sơ vào thời điểm nào. Nếu trúng tuyển NV1 mà không thích đổi ý muốn xét tuyển các NV bổ sung ở trường khác có được không?

 

Theo PGS,TS Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng ban Đào tạo ĐHTN: “Thí sinh có nhiều hơn 16 NV nếu như biết tận dụng tất cả những ưu tiên trong xét tuyển. Thí sinh cần thường xuyên cập nhật thông tin xét tuyển trên website của các trường công bố 3 ngày 1 lần để xem mình đứng ở vị trí nào, có cơ hội trúng tuyển không để quyết định rút hồ sơ. Tuy nhiên, thông thường, kết thúc NV1 đã có khoảng 70% thí sinh trúng tuyển, với các NV bổ sung chỉ còn khoảng 30% thí sinh, trong khi đó các NV bổ sung lại không được thay đổi: “Nếu đã trúng tuyển NV1 mà bỏ thì không có cơ hội xét tuyển các NV bổ sung vì phần mềm tuyển sinh của Bộ sẽ gạt tên thí sinh này khỏi danh sách xét tuyển các đợt sau”.