Thúc đẩy phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị

14:33, 30/03/2015

Đó là chủ đề Hội thảo do Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ tại Hà Nội (CEPEW) phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội tổ chức ngày 30-3 tại Thái Nguyên.

Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ chiến dịch truyền thông Quốc gia về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, hướng tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Tham gia Hội thảo có đồng chí Ma Thị Nguyệt, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh; đại diện Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các ngành: Lao động và thương binh và xã hội, Nội vụ, Hội Liên hiệp Phụ nữ 6 tỉnh phía Bắc là: Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được thông tin về: quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới và nhận thức đúng đắn việc khuyến khích phụ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị; cùng chia sẻ kết quả nghiên cứu "Nhận thức của công chúng về phụ nữ lãnh đạo trong hệ thống chính trị" và thực trạng cán bộ nữ tham gia cấp ủy, bộ máy lãnh đạo, quản lý của tại địa phương, đơn vị mình. Nhìn chung, những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp của Thái Nguyên và các tỉnh phía Bắc kể trên luôn tạo điều kiện quan tâm thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ. Việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu theo yêu cầu của công tác tổ chức cán bộ. Với Thái Nguyên, thống kê cho thấy, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2010-2015 và đại biểu HĐND ở cả 3 cấp đều tăng so với trước. Nhất là trong Quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ 9 huyện, thành, thị xã nhiệm kỳ 2015-2020 có 600 đồng chí, thì tỷ lệ nữ là 183/600 người, đạt 30,5%; tỷ lệ nữ trong Quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ xã, phường, thị trấn là 29,92% (1.345/4494 người). Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở các sở, ban ngành, đoàn thể và địa phương còn ít về số lượng, chưa tương xứng với tiềm năng của đội ngũ cán bộ nữ. Việc quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ nữ đã có những chuyển biến tích cực, song chưa đồng đều giữa các địa phương, đơn vị. Nguyên nhân được xác định do một bộ phận cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm tới công tác này cũng như tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn ít nhiều trong nhận thức của nhiều người, kể cả cán bộ, đảng viên…

 

Các đại biểu cũng thảo luận đưa ra nhiều giải pháp thực tế nhằm thúc đẩy phụ nữ tham gia hệ thống chính trị, đồng thời đề nghị Ban vì sự tiến bộ phụ nữ và Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp hoạt động tích cực hơn nữa, chủ động, linh hoạt tham mưu các chính sách, chương trình, kế hoạch nhằm đảm bảo thực hiện các quyền lợi hợp pháp cũng như đề xuất kế hoạch về công tác cán bộ cho cấp ủy, chính quyền tại địa phương, đơn vị mình.

 

Đại diện 6 tỉnh đã ký cam kết tăng cường triển khai các hoạt động thúc đẩy phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị thời gian tới.