Vinh danh nhà khoa học nữ của Thái Nguyên

09:49, 02/03/2015

Chỉ là ý tưởng “không giống ai” (thuật giải các phép toán phức tạp, không có định lý, chưa đầy đủ dữ liệu dựa vào phương pháp số) được công bố trên tạp chí khoa học của Viện hàn Lâm Khoa học thế giới - Elsevier, từ kết quả nghiên cứu của luận án tiến sĩ, tôi cũng không ngờ lại đem đến cho tôi vinh dự này”. Tiến sĩ Đặng Thị Oanh, Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) chia sẻ với chúng tôi.  

Ngày Quốc tế phụ nữ “định mệnh”

 

Những ngày đầu Xuân Ất Mùi, ngôi nhà nằm trong con ngõ nhỏ ở tổ 25, phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên của gia đình Nhà giáo, Tiến sĩ Đặng Thị Oanh trở nên đông đúc, rộn rã tiếng cười cùng với những lẵng hoa tươi thắm ngập tràn niềm vui hơn bao giờ hết. Vui bởi 26 Tết (14-2-2015), chị có mặt tại San Jose, California, Hoa Kỳ để nhận Giải thưởng cao quý - Elsevier Foundation vinh danh các nhà khoa học nữ của các nước đang phát triển tại Hội nghị thường niên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ (American Academy of Arts and Sciences) và Viện Hàn lâm Khoa học thế giới (TWAS) tổ chức. Trở về gia đình trước lúc giao thừa trong niềm hạnh phúc vỡ òa, chị tâm sự: “Chỉ là ý tưởng “không giống ai” được công bố trên tạp chí khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học thế giới - Elsevier, từ những nghiên cứu của luận án tiến sĩ, tôi cũng không ngờ lại đem đến cho tôi vinh dự này”.

 

Tiến sĩ Đặng Thị Oanh, sinh năm 1969, làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Toán học năm 2008, bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ năm 2012 tại Viện Công nghệ Thông tin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam. Công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Đặng Thị Oanh tập trung vào phương pháp không lưới, một phương pháp mới rất đang được quan tâm vì có nhiều áp dụng quan trọng trong thực tiễn, nhất là các lĩnh vực Vật lý, Địa lý, Thiên văn…

 

Theo nhận xét luận văn nghiên cứu sinh của Hội đồng Khoa học của Viện Công nghệ Thông tin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam về công trình nghiên cứu của nghiên cứu sinh Đặng Thị Oanh: “Nhiều hiện tượng khoa học và kỹ thuật dẫn đến bài toán phương trình đạo hàm riêng. Một số ít trường hợp đơn giản, nghiệm tường minh của bài toán có thể dễ dàng tìm được. Còn đa phần các bài toán thực tế có hệ số biến thiên, phi tuyến, miền hình học phức tạp thì nghiệm tường minh của bài toán không có, hoặc có nhưng rất phức tạp. Khi đó, việc tìm nghiệm phải dựa vào các phương pháp số…

 

Còn theo chú dẫn của Tạp chí Elsevier: Phương pháp không lưới, dĩ nhiên không cần lưới nên không cần chi phí sinh lưới, duy trì lưới và cập nhật lưới. Hơn nữa, phương pháp không lưới mà Tiến sĩ Oanh tập trung nghiên cứu là phương pháp dựa trên hàm cơ sở theo bán kính nên dễ dàng thực hiện trong không gian nhiều chiều, hàm phi tuyến và miền hình học phức tạp vì thay vì phải làm việc với hàm nhiều biến, ta chỉ cần làm việc với các hàm một biến.

 

Khi bắt đầu công trình nghiên cứu, Tiến sĩ Oanh đã gặp rất nhiều khó khăn, bởi lĩnh vực nghiên cứu về phương pháp không lưới còn rất mới ở Việt Nam. Tiến sĩ Oanh nhớ lại: Tài liệu nghiên cứu trong nước, cũng như tài liệu dịch sang tiếng Việt hầu như không có, trong khi vốn tiếng Anh của tôi tại thời điểm đó rất hạn chế, nên khó tiếp cận tài liệu tham khảo và đã có lúc rơi vào tình trạng bế tắc, định chuyển hướng nghiên cứu. Thông qua sự giới thiệu của các giáo sư đầu ngành của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam tôi đã được đọc một số bài báo của Giáo sư Oleg Davydov, hiện nay giảng dạy tại Trường Đại học Giessen (Đức) liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của mình. Và ánh sáng bắt đầu hé mở từ đó, đêm 6-3-2008, trong sự hồi hộp và đôi chút tuyệt vọng sau chuỗi ngày tìm hướng đi, tôi đã mạnh dạn đánh vần, ghép từng chữ tiếng Anh gửi vài dòng giới thiệu về bản thân cho vị Giáo sư người Đức qua Email. Viết gần 2 tiếng đồng hồ mà cũng chỉ được vẻn vẹn 3 dòng! Nội dung chính là: Giới thiệu họ tên, địa chỉ và nghề nghiệp; đã đọc một số bài báo của giáo sư, thấy rất quan tâm đến hướng nghiên cứu của Giáo sư, mong giáo sư gửi cho tôi một số tài liệu nghiên cứu và góp ý cho hướng nghiên cứu của tôi. Thật bất ngờ và thú vị, sáng 8-3-2008, giáo sư Oleg Davydov đã trả lời với nội dung chính là: Rất cảm ơn vì đã quan tâm đến hướng nghiên cứu của tôi, nếu muốn được tôi giúp thì gửi cho tôi chủ đề nghiên cứu sinh và lý lịch khoa học.

 

Kể từ đó Tiến sĩ Oanh đã nghiên cứu cùng Giáo sư Oleg cho đến tận bây giờ bằng phương pháp thảo luận chủ yếu qua email và trao đổi trực tuyến qua Skype. Sau đúng 2 năm, tiến sĩ Oanh được giáo sư Oleg Davydov mời sang Anh quốc, Cộng hòa Liên bang Đức - nơi vị Giáo sư đang giảng dạy, làm việc để thực tế và cùng nghiên cứu.

 

Tiến sĩ Oanh xúc động tâm sự: “Khi mới làm nghiên cứu, kinh tế gia đình rất khó khăn, nhất là khi chọn đề tài nghiên cứu lại phức tạp nữa, liên quan đến việc đi nước ngoài mà không hề có nguồn kinh phí hỗ trợ, vì vượt quá dự kiến ban đầu… Nhưng tất cả để được thu xếp ổn cả bằng chính niềm đam mê của bản thân. Gia đình, bạn bè thân thích thấy công việc của mình là chính đáng nên đã ủng hộ bằng cả vật chất và tinh thần… Sau này, khi có kết quả, vị Giáo sư người Đức, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã tìm các nguồn kinh phí hỗ trợ và tài trợ cho tôi hoàn thành nhiệm vụ”. 

 

Học bài bản và nghiên cứu chọn lọc

 

Tiến sĩ Đặng Thị Oanh chia sẻ với chúng tôi về những thành công của mình: “Bản thân tôi khi học đại học sư phạm Toán cũng chưa có thành tích gì nổi trội, đi làm thì chuyển sang học thêm tại đại học bách khoa về ngành Tin học. Nhưng cũng từ đam mê Tin học, tôi đã ứng dụng những thuật giải toán trên máy tình, dùng phương pháp số, nghiên cứu các ứng dụng phần mền Tin học với toán… đã thôi thúc tôi đến với nghiên cứu sinh Toán”. Tiến sĩ cho rằng: “Nghiên cứu khoa học ngày nay thuận tiện hơn trước kia, vì công nghệ thông tin đã nối toàn cầu. Vấn đề là nghiên cứu cái gì và ý tưởng cá nhân ra sao thì cần chọn lọc và cộng với niềm đam mê tìm hiểu đến tận cùng chân lý, chắc chắn sẽ thành công”. Được biết, trong công tác tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên, Tiến sĩ Đặng Thị Oanh liên tục nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở, trong đó có 1 Bằng khen cấp Bộ và 1 danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp Bộ. Trong công trình nghiên cứu, năm 2012, Tiến sĩ Oanh có 1 trong 37 công trình Toán học trong toàn quốc được nhận thưởng công trình trọng điểm Quốc gia phát triển Toán học trong giai đoạn 2010-2020; là chủ nhiệm và nghiên cứu viên chủ chốt của nhiều đề tài cấp bộ, cấp đại học.

 

Về Giải thưởng cao quý - Elsevier Foundation vinh danh các nhà khoa học nữ của các nước đang phát triển năm 2015 dành cho lĩnh vực Vật lý và Toán học, cùng với Tiến sĩ Đặng Thị Oanh, còn có 4 nhà khoa học nữ cũng đến từ các nước đang phát triển. Nhận xét về Giải thưởng, Tiến sĩ Vật lý Charon Duermeijer, Giám đốc Nhà Xuất bản và Tổng Biên tập của Tạp chí Elsevier Physics Journals, nói: “ Đây là một danh sách ấn tượng các hình mẫu về vai trò lớn lao của phụ nữ. Tôi hy vọng các nữ sinh viên Vật lý và Toán học khắp thế giới sẽ biết về những người đoạt giải thưởng năm nay, và được khích lệ trong việc học tập của họ, để cố gắng đạt được nhiều thành tích trong sự nghiệp. Họ cũng có thể trở thành các hình mẫu như vậy, để khuyến khích nhiều phụ nữ hơn nữa trong việc nghiên cứu Vật lý và Toán học, mà hiện nay rất cần trong môi trường nghiên cứu khoa học.”