Cần quan tâm hơn đến hoạt động khoa học - công nghệ

07:38, 07/04/2015

Đó là một trong những đề nghị của Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội với UBND tỉnh tại buổi giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện phân bổ, sử dụng ngân sách khoa học – công nghệ (KH-CN) giai đoạn 2011-2015 diễn ra chiều 7-4.

Đồng chí Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN và Môi trường dẫn đầu Đoàn công tác. Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Ma Thị Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Thị Hảo, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

 

Báo cáo của UBND tỉnh tại buổi giám sát khẳng định: Những năm qua, tỉnh đã quan tâm tăng cường tiềm lực cho hoạt động KH-CN với việc tăng đầu tư tài chính cũng như nghiên cứu và ban hành các chính sách có liên quan thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ vào phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trên địa bàn. Từ năm 2011-2015, tổng nguồn vốn của UBND tỉnh phê duyệt đầu tư phát triển cho KH-CN là gần 103 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với chủ trương của Quốc hội và Chính phủ là dành 2% ngân sách nhà nước hằng năm cho hoạt động KH-CN thì tỉnh vẫn chưa đạt được do đến nay, Thái Nguyên vẫn chưa tự cân đối được ngân sách (nguồn thu mới đáp ứng được khoảng 60% tổng chi, số còn lại được trung ương cấp). Một trong những khó khăn khác của Thái Nguyên đó là chưa có hệ thống quản lý cấp huyện và cơ sở nên việc tổng hợp các đề tài, dự án cũng như nguồn tài chính dành cho hoạt động KH-CN gặp khó khăn… Trước thực tế này, UBND tỉnh đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, Bộ KH-CN và các bộ, ngành liên quan một số kiến nghị, trong đó có việc quan tâm, xem xét bổ sung ngân sách cho hoạt động KH-CN ở cấp huyện cũng như phân bổ ngân sách để đạt mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước theo quy định, nhằm đảm bảo đủ nguồn lực cho hoạt động KH-CN của địa phương; xây dựng các cơ chế và chính sách tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động này…

 

Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Lê Bộ Lĩnh và các thành viên trong Đoàn đã nhấn mạnh đến vai trò, ý nghĩa của KH-CN đối với sự phát triển KT-XH của địa phương, qua đó đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến việc bố trí nguồn ngân sách cho hoạt động này, cũng như cần tăng cường sự liên kết giữa các tổ chức KH-CN của địa phương với trung ương để thu hút được nhiều hơn các dự án KH-CN, trong đó Đoàn công tác đặc biệt chú ý đến việc phát triển cây chè mà Thái Nguyên vốn nổi tiếng cả nước, để làm sao sản phẩm trà của tỉnh sẽ trở thành sản phẩm mang tầm quốc gia.

 

Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Ma Thị Nguyệt đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của Đoàn công tác để báo cáo, tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành, nhất là việc bố trí nguồn ngân sách để hoạt động KH-CN của tỉnh đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.