Chung tay đẩy lùi bệnh dại

08:18, 15/04/2015

Đã hơn 1 tháng nay, chị Đào Thu Huyền, ở xóm 1, xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên) vẫn chưa nguôi ngoai bởi cái chết thương tâm của người chồng xấu số.

Anh Phạm Ngọc Thảo, chồng chị, chết do lên cơn dại sau gần một tháng bị chó cắn. Tiếp chuyện chúng tôi, chị nghẹn ngào tâm sự: “Hôm đấy con chó nhà em cắn nhau với mấy con chó nhà hàng xóm, anh nhà em ra xua đuổi, không hiểu thế nào lại bị nó cắn vào tay. Em pha nước xà phòng để rửa rồi bôi thuốc. Chiều anh ấy vẫn đi làm bình thường. Thấy vết cắn sâu lại chảy nhiều máu, mấy lần em giục anh ấy đi tiêm phòng nhưng anh ấy không chịu đi, bảo chó tiêm rồi cần gì phải tiêm người nữa. Bẵng đi khoảng gần tháng, anh ấy thấy người mệt mỏi, bụng khó chịu, lại rét nữa, em đưa vào viện cấp cứu, nhưng tình trạng của anh ấy ngày càng nặng, cứ lên cơn rét run, hoảng sợ. Đến tận lúc ấy cả nhà em vẫn không nghĩ đến việc anh ấy bị bệnh dại vì chó cắn. Bác sĩ hỏi thì mới sực nhớ ra. Lúc đấy thì quá muộn rồi, 2 hôm sau anh ấy mất. Bây giờ nghĩ lại thấy ân hận quá, giá như em cứ bắt anh ấy phải đi khám ngay sau khi bị chó cắn thì anh ấy không bỏ mẹ con em đi thế này”. 

 

Cái chết thương tâm của anh Thảo chỉ là 1 trong 4 trường hợp tử vong vì chó dại cắn mà không được tiêm phòng chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2015. Con số này tăng 200% so với cả năm 2014. Đây là một tình trạng đáng báo động, trong khi Thái Nguyên hiện là tỉnh đang có dịch dại lưu hành trên động vật, nhất là chó, mèo. Mặc dù Chi cục Thú y tỉnh đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật, tổ chức tiêm phòng cho đàn chó nuôi tại 100% xã phường, thị trấn, song cũng phải thừa nhận, việc quản lý đàn chó chưa thật sự hiệu quả, vẫn còn tình trạng chó nuôi không được đi tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt thói quen thả rông chó vẫn còn phổ biến khiến cho rất nhiều người bị chó nghi dại cắn, trong đó có cả trẻ em. 2 năm trở lại đây, tỉnh Thái Nguyên đã có trên 6.000 người đến khám và tiêm phòng dại mỗi năm. Riêng 3 tháng đầu năm 2015, đã có 3.145 trường hợp bị chó cắn đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng bệnh dại. Chúng tôi gặp ông Trần Xuân Đức (tổ 18, phường Trung Thành, T.P Thái Nguyên) đang được bác sĩ của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khám, ông bị con chó con của nhà cắn vào đầu ngón tay, vết cắn sâu và dập nát xung quanh vết cắn. Mặc dù con chó vẫn khỏe mạnh, nhưng bác sĩ vẫn chỉ định ông phải tiêm cả vắc-xin và huyết thanh kháng dại. Ông nói: “Bác sĩ bảo tôi nặng 70kg nên tôi phải tiêm 5 mũi vắc-xin và 3 lọ huyết thanh kháng dại, mất hơn 2 triệu đồng. Nhiều tiền như vậy nhưng tôi vẫn phải tiêm, chứ chẳng biết thế nào, tính mạng là quý”. Còn ông Dương Văn Tư (ở xóm Làng Phan, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương) bị con chó đẻ của nhà cắn vào chân, dù nó chưa ốm nhưng ông vẫn quyết định đi tiêm. Ông cho biết: “Không biết thế nào được đâu, bây giờ nhiều chó điên lắm. Ở làng tôi, có người bị chó cắn, đi thử bằng phương pháp đông y, rồi uống thuốc nam, đỡ tốn tiền hơn và đỡ hại hơn mà vẫn bị chết. Chó nhà tôi cũng không biết thế nào, phải đi tiêm cho an toàn”.

 

Thạc sĩ Hoàng Anh, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh) cho biết: Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh lây từ động vật sang người do vi-rút gây nên. Vi-rút xâm nhập vào cơ thể qua vết cắn, cào hoặc qua nước dãi, nước bọt của con vật dính vào vết thương hở trên cơ thể người. Biện pháp duy nhất để tránh tử vong do dại là tiêm phòng vắc-xin ngay sau khi bị chó, mèo nghi dại cắn. Đối với những vết thương sâu, nhiều vết thương cùng lúc, vết thương gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ, đầu các chi cần phải tiêm phối hợp cả vắc-xin và huyết thanh kháng dại. Tất cả các biện pháp “dân gian” như thử bằng đông y, thuốc nam không chữa được bệnh dại.

 

Hiện ngành Y tế tỉnh đã triển khai 7 điểm tiêm vắc-xin phòng dại cho người tại Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và 6 huyện, thành, thị (trừ 2 huyện Phú Lương và Đồng Hỷ) bảo đảm cho người dân được tiếp cận vắc-xin một cách dễ dàng. Tuy nhiên, hiện nay, chi phí cho một đợt điều trị khoảng từ trên dưới 1 triệu cho đến trên 2 triệu đồng, tùy theo mức độ nghiêm trọng của vết cắn và cân nặng của người bệnh. Đây là một số tiền không nhỏ so với thu nhập của người dân nông thôn, cùng với sự kém hiểu biết, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trậm chễ hoặc chủ quan không đi tiêm phòng khi bị chó, mèo cắn. Bên cạnh đó, thói quen nuôi thả rông chó, nhất là chó nhà nuôi còn phổ biến, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Oanh, Khoa Khám bệnh (Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh) cho biết: “Có nhiều trường hợp trẻ em được gia đình đưa đến với chúng tôi trong tình trạng bị chó nhà cắn nghiêm trọng. Như một bé 7 tháng tuổi ở Phú Bình là ví dụ điển hình. Gia đình cho biết, bé đang nằm ngủ trên giường thì bị con chó của nhà nuôi lên cơn dại nhảy lên giường cắn vào đầu bé để lại những vết thương sâu và dài. Chúng tôi phải sơ cứu và tiêm rất nhiều mũi kháng dại xung quanh vết cắn. Thái Nguyên hiện đang là vùng có dịch dại, vì vậy các gia đình có nuôi chó phải tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi, xích hoặc nhốt không được thả rông chó, mèo. Nếu không rất dễ gây ra những trường hợp tương tự…”.

 

Với nỗ lực liên kết đa ngành nhằm tăng cường nhận thức về bệnh dại ở người và ở động vật, Sở Y tế và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông đã có cơ chế phối hợp giữa 2 ngành trong công tác phòng, chống bệnh dại, đặc biệt là sự phối hợp trong việc tuyên truyền, giám sát, trao đổi thông tin các ca bệnh liên quan đến dại. Bên cạnh đó, nêu bật vai trò trách nhiệm của từng ngành để cùng chung tay đẩy lùi bệnh dại. Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: Riêng ngành Y tế đã và đang triển khai quyết liệt các biện pháp phòng dịch dại ở người (như tăng cường, củng cố các điểm tiêm vắc-xin an toàn, đảm bảo cung ứng đủ vắc-xin và huyết thanh kháng dại cho nhu cầu của người dân; tăng cường công tác tuyên truyền về bệnh dại và cách phòng bệnh trên các kênh thông tin đại chúng và qua đội ngũ y tế cơ sở, nhất là y tế thôn bản đến từng hộ gia đình nhằm nâng cao kiến thức của người dân…). Chúng tôi cũng sẽ tăng cường phối hợp đa ngành, tham mưu cho UBND tỉnh tạo sự cam kết mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ người nghèo, dân tộc vùng đặc biệt khó khăn, trẻ dưới 6 tuổi được tiếp cận với vắc-xin phòng dại, thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật cũng như trên người, nhằm đạt được mục tiêu loại trừ bệnh dại vào năm 2020, như đã nêu trong Chương trình phòng, chống bệnh dại Quốc gia.

 

Bệnh dại hoàn toàn có thể được đẩy lùi nếu mỗi người dân biết cách bảo vệ bản thân và phòng bệnh. Không thả rông chó, mèo, tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi và đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng ngay sau khi bị chó, mèo cắn là những biện pháp không thể thiếu để tránh tử vong do dại.