Hiệu quả ban đầu từ trang trại gà chăn nuôi gia công

15:05, 10/04/2015

Hiện nay, thị xã Sông Công có gần 30 trang trại gà chăn nuôi gia công với quy mô từ 3.000 đến 16.000 con. Đây được coi là mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.

Là người đầu tiên của xã Bá Xuyên thực hiện mô hình trang trại gà công nghiệp nuôi gia công, đến nay, anh Nguyễn Đình Phiến ở xóm Chùa đã là chủ của 3 trang trại gà nuôi gia công với quy mô 21.000 con/năm. Anh Phiến cho biết: Trước kia, tôi thường chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng gà không vượt quá trăm con vì lo giá cả biến động, dịch bệnh thất thường, việc đầu tư nuôi số lượng lớn là mạo hiểm với người làm nông như tôi. Năm 2006, thấy một số mô hình trang trại gà nuôi gia công ở địa phương phát triển, cho hiệu quả kinh tế, tôi đã đăng ký với Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (thuộc Tập đoàn Charoen Pokphand Group) để thực hiện mô hình này.

 

Sau khi được ký kết, anh Phiến vay mượn của anh em, bạn bè, đầu tư hơn 400 triệu đồng, mua đất và xây dựng chuồng trại khép kín rộng hơn 800m2 theo đúng bản thiết kế của Công ty. Trong quá trình chăn nuôi, Công ty CP đã hỗ trợ hoàn toàn giá 7.000 con gà giống lông trắng, hỗ trợ thức ăn công nghiệp, thuốc chữa bệnh cho gà và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Khi xuất, Công ty CP sẽ thu mua toàn bộ số gà và trả công cho gia đình anh với giá 2.500 đồng/kg. Anh Phiến đúc rút kinh nghiệm: Mặc dù được hỗ trợ hoàn toàn, người chăn nuôi chỉ việc bỏ công ra chăm sóc nhưng với số gà lớn như vậy, để chăn nuôi hiệu quả thì phải chú ý vào khâu chăm sóc. Phía Công ty CP đã ra định mức, cứ 2kg cám đổi lấy 1kg gà, nên lượng thức ăn, thời điểm cho gà ăn tôi đều phải áp dụng theo đúng phương pháp khoa học, đảm bảo không phát sinh thêm chi phí mà đàn gà vẫn sinh trưởng tốt. Ngoài ra, theo hướng dẫn của kỹ sư chăn nuôi, tôi luôn chủ động theo dõi những dấu hiệu bất thường trên đàn gà, không để xảy ra dịch bệnh. Với mô hình chăn nuôi này, hằng năm, gia đình anh Phiến được Công ty trả từ 30-50 triệu đồng/lứa tiền công, duy trì liên tục 6 lứa/gà năm, gia đình anh trở thành hộ khá của xã, không chỉ xây nhà tầng khang trang, sắm được ô tô mà anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 3-5 lao động địa phương với mức thu nhập 3,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Cũng như anh Phiến, anh Dương Văn Hiệu, xóm Xuân Đãng 3, xã Bình Sơn đã chọn phát triển kinh tế theo mô hình trang trại gà nuôi gia công được gần 3 năm nay. Trước đây, anh là công nhân của Nhà máy Thép (Khu công nghiệp Sông Công), lương công nhân không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Được anh em họ hàng chia sẻ kinh nghiệm, anh đã xin nghỉ việc ở Nhà máy. Với diện tích vườn đồi có sẵn của gia đình, sau khi được Công ty TNHH JapFa Comfeed Việt Nam (Công ty chuyên cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi) ký kết hợp đồng, năm 2012, anh Hiệu đã đầu tư hơn 800 triệu đồng xây dựng chuồng trại đạt chuẩn với diện tích 1.000m2, chăn nuôi 8.500 con gà lông trắng. Anh Hiệu tâm sự: Sau gần 3 năm chăn nuôi, mặc dù có lứa gà gia đình tôi bị thất thu vì dịch bệnh, nhưng bù lại những lứa sau có thể cho thu lãi gần 40 triệu đồng. Năm 2014, tôi đã đầu tư thêm hơn 200 triệu đồng lắp đặt hệ thống làm mát, sưởi ấm, máng ăn tự động, nhờ đó đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt hơn, tiết kiệm khá lượng thức ăn.  Tôi dự định hết năm nay, sẽ hoàn lại được số vốn đầu tư ban đầu.

 

Cùng với 2 mô hình trang trại trên hiện Sông Công có gần 30 trang trại chăn nuôi gia công gà với quy mô từ 3.000 đến 16.000 con/trang trại, trong đó số trang trại trên 7.000 con chiếm đến 80%. Được biết, năm 2000, trên địa bàn thị xã chỉ có 2 trang trại gà với quy 8.000 con, qua các năm số lượng trang trại tăng dần, riêng năm 2009 với 12 trang trại, trong 2 năm 2013-2014 có 8 trang trại mới được xây dựng. Phần lớn các trang trại này được xây dựng tại các xã như: Tân Quang (11 trang trại), Bá Xuyên (12 trang trại), Bình Sơn (2 trang trại).

 

Ông Trần Minh Tâm, Phó truởng Phòng Kinh tế thị xã Sông Công khẳng định: Với tình hình dịch bệnh thất thường, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, thị trường tiêu thụ không ổn định thì việc chăn nuôi theo hình thức trang trại chăn nuôi gia công đã mang lại hiệu quả, an toàn, ổn định thu nhập cho người dân. Đồng thời góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương tăng dần tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp của thị xã (nếu như năm 2010 ngành chăn nuôi chỉ chiếm 31% trong cơ cấu nông nghiệp thì đến năm 2014 chiếm 48,3%). Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của người chăn nuôi là chi phí ban đầu khá lớn. Để mô hình này phát triển nhân rộng hơn nữa, người dân cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ để họ yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất.