Cảm nhận của chúng tôi cũng như tất cả người xem bộ phim “Tết yêu thương” của nhóm học sinh lớp 11A10, Trường THPT Gang thép đó là những cảnh quay rất thực, với những thông điệp chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc.
Khi Ban Tổ chức xướng tên bộ phim đoạt giải Vàng của Liên hoan phim tài liệu chủ đề “Tết quê em”, đã nhận được những tràng vỗ tay không ngớt của thầy cô, khán giả, học sinh toàn trường.
Bộ phim “Tết yêu thương” là 1 trong 20 bộ phim được thực hiện trong Dự án “Học Văn từ cuộc sống” do Sở Giáo dục & Đào tạo chọn Trường THPT Gang thép làm điểm để triển khai với mục tiêu đổi mới phương pháp dạy học theo hướng: Gắn lý thuyết sách vở với thực tiễn cuộc sống; hướng học sinh biết quan tâm đến các vấn đề xã hội, để các em biết đồng cảm, sẻ chia và bày tỏ cảm xúc của mình. Trao đổi cùng chúng tôi, thầy giáo Cao Văn Tiến, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Dự án “Học Văn từ cuộc sống” xuất phát từ ý tưởng của thầy giáo Lê Quang Sơn, chuyên viên Phòng Phổ thông, Sở GD&ĐT. Sau khi Sở GD& ĐT chọn làm điểm thực hiện, lãnh đạo, các thầy cô giáo Tổ Ngữ văn của Nhà trường rất hào hứng xây dựng kế hoạch thực hiện ngay. Cuộc thi làm phim tài liệu với chủ đề “Tết quê em” được triển khai trước Tết nguyên đán Ất Mùi. Vì điều kiện năm nay khối 12 tập trung cho kỳ thi Quốc gia THPT, nên Nhà trường chỉ triển khai thực hiện ở khối 10 và 11. 20 lớp của 2 khối, mỗi lớp cử ra 1 nhóm học sinh từ 5-8 em tham gia. Các nhóm đăng ký và nhà trường cho mượn máy quay phim để thực hiện. Tôi cho rằng thực hiện Dự án “Học Văn từ cuộc sống” chính là giải pháp hiệu quả nhằm đổi mới phương pháp dạy môn Ngữ văn trong các trường phổ thông. Giúp học sinh không chỉ tiếp thu tốt các kiến thức trong nhà trường mà còn cập nhật thường xuyên những vấn đề đang diễn ra của cuộc sống hôm nay; từ đó, giúp các em chuyển hóa những thông tin từ đời sống thành nhận thức, tình cảm và hành động của mình.
Chia sẻ với chúng tôi về cách tiếp cận và thực hiện phim “Tết yêu thương”, em Vũ Ngọc Ánh, Trưởng nhóm, cũng là Đạo diễn bộ phim vui vẻ kể: “Nhóm của em có 5 bạn, sau khi bàn bạc, chúng em nhận thấy có rất nhiều vấn đề xoay quanh chủ đề này có thể làm thành phim. Song chúng em chọn thông điệp tình yêu thương, sự chia sẻ, đùm bọc của mọi người với những mảnh đời còn thiệt thòi để thực hiện. Nhân vật chính là một người bạn học trong lớp em: Bạn là Bùi Thu Hường, nhà ở xóm Bãi Phẳng, xã Bàn Đạt (Phú Bình). Bạn Hường là 1 trong những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất của trường em. Bố bị bệnh ung thư máu mất từ khi bạn mới được 2 tuổi, mẹ Hường đi bước nữa để bạn sống với bà nội, năm nay bà đã gần 80 tuổi. Hai bà cháu đùm bọc lấy nhau mà sống...”. Cảnh quay đầu tiên của bộ phim được nhóm dàn dựng chính là kết thúc buổi học cuối cùng của năm cũ, các bạn lớp 11A10 chia tay nhau ở cổng trường về nhà cùng gia đình chuẩn bị đón Tết. Bùi Thu Hường rời khỏi cổng trường rồi dắt xe đi dọc tuyến đường gang thép ngắm hàng hoa, các cửa hàng bánh kẹo... rồi em lặng lẽ đạp gần 14km về nhà. Về đến nhà dù đã gần 13h chiều nhưng bà nội vẫn ngồi bên mâm cơm đợi Hường về để cùng ăn. Cất cặp sách, Hường thắp cho bố nén nhang rồi hai bà cháu quây quần bên mâm cơm. Không khí tết tràn về khắp thôn xóm, bà cháu Hường cũng chuẩn bị cho cái Tết như mọi nhà. Tuy thiếu thốn nhiều thứ nhưng không thể thiếu nồi bánh chưng. Vừa gói bánh bà vừa dạy Hường cách làm. Trong lúc ngồi luộc bánh, bà hỏi Hường năm mới con có ước mơ gì? Hường ôm bà và bảo con chỉ mơ ước bà luôn có sức khỏe để con được ở mãi bên bà. Và mái nhà ấm áp lên khi cô giáo chủ nhiệm và các bạn cùng lớp đến thăm và tặng quà tết cho hai bà cháu.... Những cảnh quay trong phim đều rất thực, đưa khán giả đến những góc nhìn, cách cảm, cách nghĩ và sự đùm bọc, sẻ chia với nhau những lúc khó khăn trong cuộc sống.
Sau gần 4 tháng triển khai thực hiện, Dự án đã thu được 20 bộ phim cùng với 20 poster, 20 trailer của 20 nhóm với gần 200 học sinh tham gia. Bằng cách cảm, cách nghĩ của mình, các nhóm học sinh thực hiện các bộ phim đã mang đến cho khán giả những cách nhìn và cảm xúc mới về ngày Tết Nguyên đán, vốn đã quen thuộc với mọi người, thông qua những bộ phim của mình.
Đánh giá về Dự án, đồng chí Nguyễn Mạnh Sơn, Phó Giám đốc Sở GD & ĐT khẳng định: Dự án dạy học “Học Văn từ cuộc sống” làm phim tài liệu với chủ đề “Tết quê em” đã thu hút được sự chú ý của giáo viên và học sinh, góp phần làm phong phú thêm các hình thức và phương pháp dạy học trong nhà trường. Thành công lớn nhất của Dự án là đã mang đến cho các em học sinh cơ hội được khám phá, được vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống, đặc biệt là được thể hiện và phát huy những năng lực của bản thân. Tại lễ trao giải Liên hoan phim lần này, chúng tôi mời cán bộ quản lý, tổ ngữ văn các trường phổ thông, các phòng GD & ĐT tham dự. Từ thành công của Dự án, năm học tới các nhà trường phổ biến thực hiện để nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn này trong các nhà trường.