Kể chuyện một thời hào hùng

17:17, 06/04/2015

T.X Sông Công có 1.394 cựu chiến binh đã từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, trong đó, 36 người được chứng nhận là Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe cơ giới và Dũng sĩ thi đua toàn miền.

Chúng tôi đã gặp và được nghe cựu chiến binh - Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ thi đua toàn miền Dương Ngọc Vẻ (sinh năm 1949) ở tổ dân phố Cầu Gáo, phường Bách Quang kể chuyện về những năm tháng chiến đấu hào hùng.

 

Chúng tôi lật giở những tấm Giấy khen, Huy hiệu, Huân chương ghi lại những thành tích mà ông đã đạt được trong thời gian tham gia quân ngũ. Từ tấm giấy nhỏ chứng nhận Dũng sĩ diệt Mỹ đã đổi màu vì thời gian, giấy chứng nhận đã được tặng thưởng Huy chương Quân kỳ quyết thắng đến các loại Huân chương: Chiến công, Kháng chiến, Chiến sĩ vẻ vang, Chiến công giải phóng… được Nhà nước trao tặng, ông giữ gìn cẩn thận như những báu vật. Nó không chỉ là bằng chứng về những thành tích ông đã đóng góp trong cuộc kháng chiến mà còn là nơi lưu giữ ký ức về một thời mưa bom, bão đạn.

 

Ông Vẻ xúc động nhớ lại: Tháng 7-1967, còn thiếu mấy tháng mới đủ 18 tuổi nhưng tôi đã viết đơn tình nguyện, xung phong lên đường nhập ngũ, được cấp trên phân vào Tiểu đoàn 3 Bộ binh, sau điều chuyển sang đơn vị hỏa lực của Trung đoàn 246. Cuối năm 1967, cùng các chiến sĩ trong đơn vị hành quân vào Khe Sanh, tuy người nhỏ bé, nhưng tôi cũng không thua đồng đội, vác nòng pháo, súng, lựu đạn và nhiều quân tư trang cần thiết với trọng lượng gần 40kg trên vai mà vẫn đi lại nhanh nhẹn.

 

Ông Vẻ nhớ mãi lần đầu tiên cầm súng đánh giặc trên trận địa Khe Sanh (Quảng Trị) vào đầu năm 1968. Hôm ấy, bộ đội ta nhận lệnh đào hầm, ngụy trang gần căn cứ địch đến 3 giờ sáng trong khi máy bay địch bay ù ù dò sát và thả bom vào phía quân ta. Kết thúc trận đánh đầu tiên đó, ông cùng 3 chiến sĩ dũng cảm xông lên dùng súng, lựu đạn tiêu diệt 20 lính Mỹ và vinh dự nhận Giấy chứng nhận Dũng sĩ diệt Mỹ, được biểu dương trước Trung đoàn. Kết thúc chiến dịch Khe Sanh, ông cùng các chiến sĩ của Trung đoàn lại tiếp tục hành quân thực hiện nhiệm vụ mới.

 

Nghe ông Vẻ kể, tôi chợt nhớ tới những ca từ xúc động trong bài hát “Tiến về Khe Sanh” của nhạc sĩ Văn Dung. Lời bài hát vang lên như từng tiếng bước chân hành quân của những binh đoàn anh hùng, trong đó có những người lính như ông Vẻ tiến vào Khe Sanh để làm nên một “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu lần thứ hai”:

 

"Xuyên màn đêm ta đi vượt núi băng rừng

Qua dốc cao suối sâu đoàn ta mau dồn bước.

…Vững bước ta đi lên, biển Đông đã sáng

Tiếng súng ta vang vang, rền trời Khe Sanh"

 

Với những nỗ lực trong chiến đấu, ông Vẻ được kết nạp Đảng năm 1969. Giây phút tuyên thệ trước lá cờ Đảng thiêng liêng ông chẳng thể nào quên, đó là động lực thúc đẩy ông luôn luôn sống, chiến đấu vì lý tưởng của dân tộc.

 

Trong suốt chặng đường tham gia kháng chiến, ông có mặt ở nhiều chiến dịch như: Bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và huyện Hương Trà (Đà Nẵng) trước và sau giải phóng miền Nam 30-4-1975; làm Đại đội phó Đại đội Huấn luyện chuẩn bị cho giải phóng Đà Nẵng. Ông nhớ nhất là khi làm Đại Đội trưởng cải tạo tù tàn binh (đa phần là lính Ngụy) của huyện Hương Trà - Thừa Thiên sau ngày giải phóng năm 1975. Nhiệm vụ sau hòa bình tưởng đơn giản mà lại vất vả không kém khi cầm súng, ném lựu đạn vào quân thù trong những trận chiến đấu ác liệt. Ông cùng các giáo viên quân sự phải ổn định tư tưởng của con, cháu những người lính Ngụy tàn binh để họ hiểu được nay đã hòa bình, cách mạng khoan dung, tha thứ cho những hành động tội ác của họ trước đây. Đồng thời vận động họ cùng đoàn kết, tích cực xây dựng đất nước thống nhất. Khi đó, ông Vẻ và các giáo viên luôn xác định tư tưởng rằng các học viên trong khóa huấn luyện ngoài mặt có thể chấp hành nhưng bên trong lớp sóng ngầm chỉ chờ thời cơ có kẻ kích động là bùng lên chống lại quân đội, chính quyền cách mạng. Vì thế, các ông đã tỉ mỉ, sát sao, kiên nhẫn tìm hiểu, chuyện trò, nắm bắt tâm tư tình cảm của họ. Nhờ đó, kết thúc các đợt huấn luyện, cải tạo ông và đoàn cán bộ, giáo viên luôn được cấp trên ghi nhận và biểu dương.

 

Sau hơn 20 năm, phục vụ quân ngũ  năm 1991 ông Vẻ nghỉ hưu. Về địa phương, ông lại được đảng viên tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ khu dân cư, rồi Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam phường Bách Quang, giờ là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường.

 

Với nhiệt tình của người lính Cụ Hồ, ông Vẻ đã đưa phong trào Hội của địa phương ngày càng phát triển, 264 hội viên cựu chiến binh trong phường nay đều có kinh tế ổn định. Nhiều năm ông và tập thể Hội Cựu chiến binh phường được UBND tỉnh tặng Bằng khen trong phong trào thi đua yêu nước; UBND Thị xã, Hội Cựu chiến binh Thị xã tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội.