Ngày 14-4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào Dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dự Hội nghị có đại biểu của HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, một số sở, ngành, địa phương, Hội Luật gia tỉnh. Đồng chí Trương Thị Huệ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm 16 chương 158 điều quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Hầu hết các đại biểu đồng tình với các nội dung cũng như sự cần thiết của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các đại biểu cũng góp ý sâu vào một số vấn đề nêu trong Dự thảo Luật như: nguyên tắc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là tính hợp lý, tính phù hợp, thực tiễn và tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời phải hướng tới tính dự báo của văn bản quy phạm pháp luật; quy định về việc phân công soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo sự điều hành, giám sát; cần có quy chế giám sát chủ thể ban hành văn bản; nên có thêm 1 điều quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản để nâng cao trách nhiệm trong việc ban hành văn bản và nên có một quy định chuyển tiếp để tránh tạo ra kẽ hở trong pháp luật. Đối với tỉnh nên có quy trình, hình thức thủ tục trình HĐND. Có ý kiến cho rằng, Luật nên nhấn mạnh vai trò phản biện của MTTQ trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật…
Các ý kiến đóng góp tại Hội nghị đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu, tổng hợp và chuyển đến các Đại biểu Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu.