Đối với ý kiến đóng góp của ông Nguyễn Văn Đào, cán bộ hưu trí ở tổ 9, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên):
1. Tôi hoàn toàn nhất trí với việc bổ sung điều 19 trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Theo đó, Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Ngoài nội dung ghi trong điều luật, trong xã hội còn phải giải quyết theo hương ước, theo tập quán, nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự, vận dụng các bộ luật chuyên ngành có liên quan. Tóm lại, cần giải quyết công bằng cho nhân dân. Tòa án hiện nay phải là người “cầm cân nảy mực” để giải quyết tất cả các mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư và xã hội, vì vậy dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cần bổ sung thêm điều 19 là hợp lòng dân và phù hợp với Khoản 3, Điều 102 của Hiến pháp năm 2013.
2. Về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức, theo khoản 1, điều 145 của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định: "Trường hợp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự mà hình thức đó không được tuân thủ thì giao dịch dân sự đó bị vô hiệu, trừ các trường hợp sau đây:
a) Việc không tuân thủ quy định về hình thức không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác và chủ thể giao dịch dân sự đã chuyển giao tài sản hoặc đã thực hiện công việc. Trong trường hợp này, theo yêu cầu của một hoặc các bên, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm hoàn tất thủ tục đối với giao dịch dân sự đó;
b) Trường hợp chủ thể chưa chuyển giao tài sản hoặc chưa thực hiện công việc thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án cho phép thực hiện quy định về hình thức của giao dịch dân sự trong một thời hạn hợp lý; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch dân sự đó bị vô hiệu”.
Tôi không tán thành dự thảo trên, mà cần tiếp tục duy trì quy định như Bộ luật Dân sự hiện hành để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
3. Về hình thức sở hữu, tôi nhất trí chọn để 2 hình thức sở hữu trong xã hội hiện nay.
- Về sở hữu riêng (sở hữu cá nhân): Trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cần ghi rõ sở hữu riêng phải được Nhà nước tôn trọng và pháp luật bảo vệ (như đất đai, nhà ở, tài sản, ngân phiếu...).
Về sở hữu chung bao gồm: Sở hữu Nhà nước và sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và Nhà nước quản lý.
Quy định 2 hình thức sở hữu như trên là phù hợp với Điều 32 và Điều 53 của Hiến pháp năm 2013.
4. Về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi: Tôi hoàn toàn nhất trí như điều 443 trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi. Vì những hợp đồng dân sự đôi khi không thực hiện được, cần có Tòa án can thiệp để chấm dứt hợp đồng hoặc điều chỉnh lại hợp đồng để cả hai bên tham gia ký kết hợp đồng không bên nào bị thiệt hại và có thể phân chia thiệt hại cho cả hai bên theo quy định của pháp luật. Tòa án có thể giúp hai bên trong hợp đồng cùng điều chỉnh lại hợp đồng cho phù hợp với thực tiễn hoàn cảnh và đẩy mạnh giao lưu dân sự.
5. Tôi hoàn toàn nhất trí với điều 491 trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định về lãi suất vay do các bên thỏa thuận hoặc do luật định. Theo đó, “trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định ở khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”. Quy định như vậy mới loại bỏ được tình trạng “xã hội đen” cho vay nặng lãi hiện nay...