Đã 40 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn rực cháy trong trái tim người cựu chiến binh giải phóng miền Nam Trần Quang Tình.
Và năm nay, cảm xúc của ông như càng mãnh liệt hơn khi anh em đồng ngũ hẹn nhau về thăm lại chiến trường xưa cùng “ôn cố tri tân”.
Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi với ông Trần Quang Tình tại ngôi nhà đơn sơ của ông ở xóm Làng Mai, xã Phấn Mễ (Phú Lương) thỉnh thoảng lại bị đứt quãng bởi những cuộc điện thoại. Mỗi lần đàm thoại, gương mặt và ánh mắt của ông lại sáng lên, giọng rôm rả, phấn khởi khi gặp người bạn chiến đấu năm xưa. Để rồi, sau mỗi lần cúp máy, ông lại thở dài đầy tiếc nuối. Hỏi ra mới biết, các bạn cùng đơn vị chiến đấu năm xưa đang hẹn ngày 30-4 này sẽ cùng nhau hành trình về dự buổi tọa đàm tại dinh Thống Nhất (trước có tên là dinh Độc Lập, T.P Hồ Chí Minh), nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng vì hoàn cảnh gia đình ông không thể tham dự được.
Ông là người đã phối hợp với Đại đội trưởng xe tăng Bùi Quang Thận hạ lá cờ 3 sọc của chế độ Việt Nam cộng hòa xuống và kéo lá cờ cách mạng lên nóc dinh Độc Lập lúc 11h30 phút ngày 30-4-1975, báo hiệu miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Ông kể: Sau khi quân ta tiến vào giải phóng Đà Nẵng, Nha Trang, Khánh Hòa... đêm 25 rạng sáng ngày 26-4-1975, đơn vị ông được lệnh hành quân tiếp cận căn cứ Nước Trong (Trường Sĩ quan thiết giáp của Ngụy quân Sài Gòn), tiến hành đào công sự, ngụy trang, bố trí hỏa lực đợi lệnh sẵn sàng chiến đấu. Sau 1 phơi nắng, thiếu nước uống và chịu những trận càn quét, quần đảo của máy bay địch, đến chiều 26-4, các cánh quân của Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 9, Sư đoàn 304) được lệnh tấn công sau tiếng pháo phát lệnh của quân ta. Với khẩu B40, tôi đã bắn sập được 2 lô cốt địch giúp đồng đội tiếp tục tiến sâu vào trận địa. Tuy nhiên, khi tiến tới hàng rào thép gai phía trong có cổng sắt thì trái bộc phá bỗng hỏng ngòi nổ. Tôi nhảy phắt qua hàng rào thép gai, dùng sức mình bẻ chiếc cọc sắt gập xuống cho đồng đội tiến vào làm chủ trận địa.
Hai ngày tiếp theo (27 và 28-4), đơn vị ông chiếm giữ cứ điểm ở khu vực ngã ba Thái Lan và truy kích địch về phía cầu Đồng Nai. Từ đây lực lượng bộ binh kết hợp với đơn vị xe tăng cùng tiến về hướng Sài Gòn.
Sáng 29-4, do bị quân ta truy kích địch quyết liệt nên địch phát hỏng cầu Sông Buông khiến xe tăng của ta không qua được. Ông Tình và các chiến sĩ được lệnh chiến đấu để bảo vệ cho đơn vị công binh khắc phục cầu. Đến sáng 30-4, cầu được sửa xong, các đơn vị tiếp tục tiến vào.
Tới cầu Sài Gòn, quân ta gặp phải sự chống trả quyết liệt của địch, 1 chiếc xe tăng của ta bị cháy. Lúc này, tôi được giao nhiệm vụ chốt giữ đầu cầu và bắt được 2 tên lính Ngụy. Qua khai thác thông tin, ta biết quân địch đã có biểu hiện hoang mang, hoảng loạn. Tôi báo cáo với chỉ huy và được lệnh cùng đơn vị xe tăng tiến vào Sài Gòn. Đến ngã tư Hàng Xanh, nhân dân ra chào đón rất náo nhiệt. Trong đó có một bác cao tuổi đưa cho chúng tôi một lá cờ rất to vào nói rằng họ đã tôi may nó từ năm Mậu Thân 1968 để đón chào quân giải phóng.
Đi được 1 đoạn nữa, chúng tôi gặp 2 tên lính Ngụy cùng một thanh niên đi xe Zíp. Chúng tôi bắt 1 tên dẫn đường vào dinh Độc Lập. Nhờ có người dẫn đường nên Đại đội 6 của chúng tôi là đơn vị bộ binh đầu tiên cùng đơn vị xe tăng thuộc Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2 tiến vào dinh Độc Lập. Tôi vác khẩu B40 ngồi trên chiếc xe tăng 843 do Trung úy, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy, song hành là chiếc 390. Khi vào đến cổng, bỗng dưng chiếc xe tăng mang số hiệu 843 bỗng dừng lại ở cổng phụ. Bên kia, chiếc 390 tiến vào đâm sập cổng chính dinh Độc Lập. Tôi nhảy xuống xe tăng cùng anh em bắt và gom tàn binh của Ngụy.
Lúc tôi chạy lên dinh Độc Lập, tới chỗ cắm cờ, tôi thấy anh Bùi Quang Thận kéo cờ ba que (Quốc kỳ của Việt Nam cộng hòa bấy giờ) xuống để tháo ra nhưng vì nó bị buộc quá chặt nên anh phải dùng răng cắn. Thấy vậy, tôi đến gần, rút dao găm ra giúp anh cắt mối buộc. Tháo cờ Ngụy rồi, anh Thận lấy cần ăng ten xe tăng đã chuẩn bị sẵn buộc cờ giải phóng vào. Xong đâu đấy, toan kéo lên thì anh lại hạ xuống, đặt lên đùi viết lên góc cờ: “11h30 phút, Thận treo cờ”. Khi ấy, anh còn gọi một nữ phóng viên người nước ngoài ra hiệu cho cô ấy chụp lại hành động anh ném lá cờ ba que xuống nền dẫm chân lên. Ông kể.
Bao năm trôi qua, nhưng thời khắc lịch sử ấy luôn in đậm trong trí nhớ của người cựu chiến binh Trần Quang Tình và kể rành rọt như một thước phim sinh động. Tuy tên ông và chi tiết đó không được nhắc đến trong tư liệu lịch sử phổ thông nhưng được ghi trong cuốn tư liệu “Vài nét về Sư đoàn Vinh Quang” (Sư đoàn 304). Những ngày này, khi nhận các cuộc điện thoại của đồng đội cũ, hẹn nhau về chiến trường xưa ông không khỏi bồi hồi. Nhưng do công việc gia đình, không thể thu xếp về dự họp cùng đồng đội, ông càng nhớ tiếc. Nhớ tới cả những ngày đầu mới nhập ngũ.
Ông Trần Quang Tình sinh năm 1952 tại xã Phấn Mễ, Phú Lương. 19 tuổi nhập ngũ, ông được huấn luyện tại Tiểu đoàn 50, Sư đoàn 304, đóng quân ở Phú Bình. Đến tháng 5-1972, ông hành quân vào Quảng Trị tham gia chiến đấu chống địch lấn chiếm. Đơn vị thấy ông có sức khỏe tốt, giỏi băng rừng (ông là người dân tộc Cao Lan, quen địa hình rừng núi) nên được giao nhiệm vụ làm lính trinh sát. Vì muốn trực tiếp cầm súng đánh giặc nên đến tháng 2-1974, ông xin chuyển vào Đại đội 6, Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 9, Sư đoàn 304). Từ đó, ông trực tiếp cùng đồng đội trong đơn vị tham gia nhiều trận đánh như trận Ô Quan Trưởng, chiếm bán đảo Sơn Trà, Bình Định, Khánh Hòa, Đồng Nai... đến căn cứ Nước Trong rồi trận cuối cùng vào dinh Độc Lập trong thời khắc lịch sử của dân tộc. Cùng năm đó, ông là chiến sĩ thi đua của đơn vị và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
Đất nước thống nhất, đơn vị ông rút về quận Thủ Đức (T.P Hồ Chí Minh) huấn luyện chiến sĩ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Đến năm 1977, đơn vị ông rút ra Quảng Trị giúp nhân dân xây dựng công trình thủy lợi, phục vụ sản xuất. Cuối năm ấy ông xuất ngũ trở về địa phương, lập gia đình và làm công nhân lái xe cho Mỏ Than Khánh Hòa đến năm 2008 mới về nghỉ hưu.
Những năm trở lại đây, hễ đến ngày 30-4 thì ông và các anh em đồng ngũ tại Thái Nguyên (chủ yếu là ở Phú Lương và Đồng Hỷ) lại tổ chức gặp mặt, hỏi thăm sức khỏe, cùng nhau ôn lại những tháng ngày lịch sử đáng nhớ khi cùng được phục vụ, chiến đấu tại Sư đoàn Vinh quang 304. Năm nay trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, cảm xúc tự hào, phấn chấn trong ông như càng mạnh liệt hơn mặc dù không thể về lại tại chiến trường xưa.