Năm nay mới 33 tuổi nhưng anh Nguyễn Thanh Dương (xóm Soi Vàng, xã Tân Cương, T.P Thái Nguyên), chủ Cơ sở chế biến chè An Dương luôn trăn trở: Làm thế nào để giới thiệu đến người tiêu dùng tất cả các sản phẩm tinh túy nhất của đất chè Tân Cương.
Ngoài 2ha chè, chủ yếu là chè trung du trong đó có 0,5ha chè giống LDP1. Ngoài 1,5 tấn chè của vườn nhà, gia đình anh còn bao tiêu sản phẩm cho 10 hộ dân trong xóm. Chè sau khi thu hái, anh Dương cũng trực tiếp kiểm tra và hướng dẫn các hộ dân quy trình kỹ thuật, đồng thời khuyến cáo các hộ chỉ phun khi sâu bệnh quá nhiều. Để có được sản phẩm chè an toàn, anh Dương cũng đã quy ước với các gia đình, nếu không tuân thủ sẽ không thu mua sản phẩm. Vào vụ chè, ngoài 2 kỹ thuật chính, gia đình anh thuê từ 8 đến 10 nhân công hái chè. Hiện, sản phẩm chính của Cơ sở sản xuất, chế biến chè An Dương là chè Nhài, chè tôm, chè Đinh và dòng chè đặc sản Tân Cương, với mức giá bán trung bình từ 250-400 nghìn đồng/kg; riêng chè Đinh bán được bán với giá 2,8 triệu đồng/kg. Anh Dương cho biết: Với mỗi loại sản phẩm chè đều có công thức riêng, mình thường đúc kết kinh nghiệm, mày mò để có những sản phẩm tốt nhất. Trước đây, để có cân chè Đinh như ý, mình đã thức rất muộn để sao chè vì lúc đó vừa làm, vừa chụp ảnh, tìm tòi công thức. Quá trình làm cũng đã làm hỏng vài mẻ, như vậy cũng mất cả một tháng chi phí bởi để có 1 kg chè Đinh thì cần từ 8 đến 10 nhân công hái một ngày…
Để có những sản phẩm chè chất lượng, bản thân anh cũng đã trực tiếp tham khảo các thị trường: Công ty Chè Hoàng Long, Công ty Chè Kim Anh (Hà Nội) . Đồng thời, trong vòng hai năm trở lại đây, anh Dương đã đầu tư mua sắm thiết bị công nghệ của Đài Loan như máy đóng gói hút chân không (85 triệu đồng), hệ thống máy sấy ủ hương chè Nhài (85 triệu đồng), máy sao chè bằng ga trị giá 135 triệu đồng. Hiện, trung bình mỗi năm, Cơ sở xuất bán khoảng 40 tấn ra thị trường T.P Hà Nội và các tỉnh: Điện Biên, Nghệ An, Hải Phòng, Hưng Yên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Ninh…, tổng thu nhập từ chè đạt khoảng 600 triệu đồng/năm.
Là người luôn muốn có gì đó đổi mới nên anh Dương luôn tìm hướng đi cho sản phẩm của mình. Theo anh Dương, trà xanh Thái Nguyên có thể làm được rất nhiều loại sản phẩm khác nhau với hương, vị, sắc riêng biệt. Song cái khó là muốn triển khai được thì rất tốn kém, đòi hỏi phải có kinh phí, có thị trường và sự tâm huyết. Dự định tới đây, anh Dương sẽ đầu tư xây dựng xưởng sản xuất, chế biến, bảo đảm sản phẩm trà bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.