Xây dựng đội ngũ người làm báo có tâm, có tài

14:48, 21/04/2015

Cách đây tròn 65 năm, ngày 21-4-1950, Hội Những người viết báo - nay là Hội Nhà báo Việt Nam - đã được thành lập tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc (Định Hóa).

Lớn mạnh cùng kháng chiến, trưởng thành cùng Đảng và nhân dân, trải qua từng giai đoạn lịch sử, báo chí Việt Nam luôn phát triển cả về tổ chức, về hoạt động và đóng góp. Đến nay, với hơn 22.000 hội viên, Hội Nhà báo Việt Nam đã trưởng thành hơn bất cứ giai đoạn nào, tiếp tục đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển của đất nước, sự phồn vinh của dân tộc…


Ngược dòng lịch sử


Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam đã có một số tờ báo, một số người làm nghề báo, tuy nhiên còn nghèo nàn, tản mạn, chưa có vị thế trong hoạt động truyền thông.


Năm 1945, Cách mạng thành công. Báo chí Cách mạng đã có thêm lực lượng và phương tiện mới. Kế thừa những nét đẹp của báo chí yêu nước trước đó, một số cơ quan báo chí của Nhà nước đã được hình thành. Tuy nhiên, vừa giành được độc lập, Đảng, Chính phủ phải giải quyết hàng trăm công việc bộn bề, cam go cho nên báo chí cũng chưa thực sự có bước phát triển đáng kể. Hơn một năm sau ngày độc lập, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Đoàn Báo chí Việt Nam được thành lập trước đó một năm đã đổi tên thành Đoàn Báo chí kháng chiến và những người làm báo đã tỏa đi các địa phương, cơ sở cùng với bộ đội và nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp. Việt Bắc từng là nơi khởi nguồn cách mạng lại tiếp tục nhận được sứ mệnh lịch sử là An toàn khu của kháng chiến, trong đó Định Hóa - Thái Nguyên là trung tâm, nơi Bác Hồ và lực lượng bộ đội đóng quân. Do là Thủ đô kháng chiến, nơi đặt đại bản doanh của Đảng, Chính phủ và các cơ quan của Trung ương, vì vậy các cơ quan báo chí cũng từ đó mà ra đời và phát triển trên mảnh đất này. Ngày 20-10-1950, tại xóm Khau Diều, xã Định Biên (Định Hóa), Báo Quân đội Nhân dân ra đời trên cơ sở sáp nhập các tờ Quân Du kích, Việt Nam Giải phóng quân. Ngày 11-3-1951, Báo Nhân Dân - cơ quan ngôn luận Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam - ra số đầu tiên tại xóm Khuôn Nhà, xã Quy Kỳ (Định Hóa) trên cơ sở phát triển của tờ báo Sự Thật…


Dưới sự lãnh đạo của Tổng bộ Việt Minh, ngay từ tháng 4-1949, tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái (Đại Từ), lớp báo chí Cách mạng đầu tiên đã được mở với sự tham gia của gần 60 học viên. Những cây viết trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm làm báo của lớp đàn anh đi trước như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy, Quang Huy, Hà Xuân Trường, Quang Đạm, Tố Hữu, Hoàng Tùng, Thép Mới, Hồng Hà… đã được tiếp sức bởi lớp đại học báo chí và nhanh chóng trở thành những cây viết lớn của các cơ quan báo chí.


Tháng 3-1950, đại diện các cơ quan báo chí Bắc Bộ được mời đến Định Hóa dự họp, trong đó có các báo: Sự Thật, Cứu Quốc, Độc Lập, Phụ Nữ, Lao Động, Sức Trẻ, Hành Động, Văn Nghệ, Quân Du kích, Vệ Quốc quân, Việt Nam Thông tấn xã, Tiền Phong, Đài Tiếng nói Việt Nam. Một trong những nội dung mà Giáo sư Trần Văn Giàu - lúc này là Tổng Giám đốc Nha Thông tin của Chính phủ - nêu trong Hội nghị là: “Các báo cần lập Hội ký giả Việt Nam để làm cầu nối giữa Chính phủ với những người viết báo, để mở rộng thông tin và quan hệ hợp tác với nước ngoài”. Đồng chí Xuân Thủy phụ trách Đoàn Báo chí kháng chiến đã tổ chức một Đại hội cho giới báo chí, thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc (Định Hóa) vào ngày 21-4-1950. Địa điểm này đã đi vào lịch sử, là nơi sinh thành Hội Nhà báo Việt Nam.


Lớn mạnh cùng kháng chiến, trưởng thành cùng Đảng và nhân dân, trải qua từng giai đoạn lịch sử cách mạng, báo chí Việt Nam luôn phát triển cả về tổ chức, về hoạt động và đóng góp. Đến nay, với hơn 22.000 hội viên, Hội Nhà báo Việt Nam đã trưởng thành hơn bất cứ giai đoạn nào, tiếp tục đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển của đất nước, sự phồn vinh của dân tộc.


Vinh dự, tự hào với Thái Nguyên


Được thừa hưởng tinh hoa của nền báo chí Cách mạng, sớm được lao động và hoạt động nghề nghiệp trên chính mảnh đất vốn là nơi phát tích của nhiều cơ quan báo chí, những người làm báo Thái Nguyên 65 năm qua cũng đã lập được nhiều thành tích. Trong gian khổ, khó khăn của những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, đội ngũ cán bộ, phóng viên của các tờ Tin Thái Nguyên, Tin Gang Thép, Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh Thái Nguyên, Đài Phát thanh Bắc Thái đã tỏ rõ bản lĩnh của người làm báo Cách mạng, có những đóng góp thiết thực và hiệu quả cho công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà.


Từng bước, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh đã khắc phục khó khăn, đưa những ấn phẩm báo chí xứng với tầm vóc của một địa phương có truyền thống báo chí. Đến thời điểm năm 2015, Báo Thái Nguyên - tờ báo của Đảng bộ tỉnh - đã phát hành hàng ngày với lực lượng độc giả từ cán bộ cơ sở đến các cơ quan, ban, ngành của tỉnh. Báo Văn nghệ Thái Nguyên, các tạp chí, tập san của ngành, các Đài Truyền thanh - Truyền hình cơ sở cũng có những bước phát triển tương xứng. Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên hiện có 2 kênh sóng truyền hình, 1 kênh sóng phát thanh, 1 trang thông tin điện tử, 1 tạp chí, mỗi ngày cung cấp một lượng thông tin thời sự khổng lồ cho khán, thính giả xa gần. Hội Nhà báo tỉnh với hơn 250 hội viên luôn hoạt động tích cực, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.


Thời đại đang yêu cầu nhiều hơn ở người làm báo và báo chí


Sự bùng nổ thông tin, sự ra đời của mạng Internet đã và đang là một thách thức to lớn đối với báo chí. Hiện nay, cả nước có 67 đài Phát thanh - Truyền hình, hơn 800 ấn phẩm báo in và một lượng lớn báo điện tử cùng các trang thông tin, một mặt đã tạo cho báo chí diện mạo mới, nhưng mặt khác cũng đặt báo chí trước những thử thách mới về chất lượng và bản lĩnh của thông tin. Báo chí vừa phải thông tin nhanh nhạy, chính xác các sự kiện, nhưng mặt khác cũng phải định hướng thông tin, định hướng dư luận để góp phần làm trong sạch và lành mạnh thông tin.


Trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường, hoạt động báo chí của những người làm báo có cơ hội hơn, nhưng cũng đòi hỏi cái “tâm” và “tầm” phải liên tục được chú ý rèn luyện. Có mấy vấn đề đặt ra như sau:


Đối với hội viên, những người trực tiếp làm báo cần tiếp tục được trau dồi về kiến thức, ngoại ngữ, trình độ nghiệp vụ để có những sản phẩm báo chí vừa làm tốt chức năng thông tin lại vừa đáp ứng được yêu cầu định hướng dư luận của báo chí chính thống. Các hội viên Hội Nhà báo vừa phải làm tốt hoạt động nghiệp vụ, vừa tích cực tham gia xây dựng Hội vững mạnh để góp phần phát triển báo chí.


Tổ chức Hội Nhà báo đã được sự quan tâm thiết thực của lãnh đạo tỉnh cũng cần có chương trình hành động cụ thể để chất lượng hoạt động nghiệp vụ ngày một hiệu quả hơn.


Kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam là một dịp tốt để ôn lại lịch sử, vừa kiểm điểm những việc đã làm, vừa định hướng hoạt động trong giai đoạn tiếp theo, hướng vào mục tiêu: Xây dựng báo chí Thái Nguyên phát triển vững mạnh về mọi mặt, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước.