Cùng với Tuyên Quang và Bắc Kạn, Thái Nguyên vinh dự được Trung ương Đảng, Bác Hồ và Chính phủ chọn làm "An toàn khu tuyệt mật", là vùng lõi của Chiến khu Việt Bắc.
Đã gần 70 năm trôi qua nhưng dấu ấn lịch sử trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, cùng ăn, cùng ở với đồng bào của Bác Hồ vẫn đọng mãi trong tâm trí mỗi người dân Thái Nguyên.
Chọn Trung tâm vùng an toàn khu trong kháng chiến
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, trong gần một thế kỷ, lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Tuy đã chính thức tuyên bố độc lập nhưng tình thế ở nước ta năm 1945 được ví như "ngàn cân treo sợi tóc" bởi những khó khăn về tài chính và quân sự của một Nhà nước non trẻ, "giặc đói", "giặc dốt" và nhất là sự đối mặt với bọn nội phản và giặc ngoại xâm. Pháp với sự hậu thuẫn của Anh đã lộ rõ bộ mặt tráo trở quyết tâm quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Tối 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Sau lời kêu gọi, Bác đã quyết định chuyển toàn bộ cơ quan đầu não và lực lượng chủ chốt lên vùng an toàn nhằm bảo toàn, củng cố và phát triển lực lượng. Định Hóa (Thái Nguyên) cùng với Sơn Dương (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn) được chọn làm an toàn khu trong kháng chiến. Với khả năng tiên lượng tình hình và tầm nhìn xa trông rộng, từ ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác đã phân công đồng chí Phạm Văn Đồng cùng một số cán bộ ở lại Việt Bắc một thời gian, để củng cố căn cứ. Cuối tháng 10-1946, đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Chủ nhiệm tổng bộ Việt Minh được giao nhiệm vụ trở lại Việt Bắc chuẩn bị địa điểm xây dựng căn cứ. Tháng 11-1946, Đội công tác đặc biệt do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách di chuyển lên Việt Bắc khảo sát thực địa và lựa chọn địa điểm. Tất cả đã được chuẩn bị một cách bài bản, kỹ lưỡng, nhanh chóng và tuyệt đối bí mật, an toàn. Từ ngày 26-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật rời Hà Nội ra ngoại thành để về Định Hóa. Đêm 19 rạng sáng 20-5-1947, Bác đến Khau Tý, xã Điềm Mặc (Định Hóa) sau một chuyến hành trình dài bí mật. Tại đây, anh em cán bộ đã dựng một lán nhỏ để Bác ở và làm việc. Lán nhỏ đảm bảo đúng những yêu cầu của Bác: trên có núi, dưới có sông, kín đáo, gần dân, không gần đường. Từ đây, Định Hóa chính thức trở thành trung tâm An toàn khu, thủ phủ căn cứ địa kháng chiến.
Cả đại ngàn núi rừng trở thành chiến khu. Giữa bốn bề núi non có ai biết rằng cả một kế hoạch trường kỳ đánh đuổi kẻ thù đã được dày công chuẩn bị? Đồi Khau Tý chính là nơi ghi dấu những ngày tháng lịch sử ấy. Tính đến trước tháng 5-1947, các cơ quan Trung ương đã hoàn thành việc di chuyển và đóng chốt tại Định Hóa. Ngay ngày đầu tiên về với Định Hóa, Bác đã được sống trong sự đùm bọc, yêu thương và kính trọng của người dân nơi đây. Cũng tại đây, Bác đã cùng các đồng chí Trung ương Đảng họp bàn và đưa ra những quyết sách đưa cuộc kháng chiến gian khổ nhưng hào hùng đi đến thắng lợi.
Những quyết định lịch sử
Giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến đặt ra muôn vàn thách thức, trong khi lực lượng của ta còn mỏng chưa đủ sức mạnh để tổng phản công thì quân pháp đã điên cuồng trong tham vọng đánh nhanh, thắng nhanh. Trong hoàn cảnh ấy, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã đưa ra những chủ trương, quyết sách mang tính chiến lược góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến phát triển theo chiều hướng tích cực. Ngày 28-5-1948, tại xóm Nà Lọm, xã Phú Đình (Định Hóa), Bác Hồ đã chủ trì Lễ phong hàm cấp tướng đầu tiên của Việt Nam. Tại đây, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã được phong hàm Đại tướng cùng với nhiều vị tướng khác. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển lớn mạnh vượt bậc của quân đội ta. Ngày 12-3-1949, tại đại bản doanh ở Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh đổi tên Bộ Tổng chỉ huy quân đội quốc gia Việt Nam thành Bộ Tổng tư lệnh quốc gia và Dân quân Việt Nam. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xây dựng các binh đoàn chủ lực, cơ động có thể đánh thẳng vào những lực lượng lớn của Pháp, ngày 28-8-1949, tại huyện Phú Lương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc quyết định thành lập Đại đoàn 308. Sự ra đời của Đại đoàn 308 đã đánh dấu việc hoàn chỉnh xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân. Tuy nhiên, cùng thời gian trên, cuộc kháng chiến của nhân dân ta đang đứng trước một khó khăn mới do sự can thiệp ngày càng sâu vào cuộc chiến tranh Đông Dương của đế quốc Mĩ. Thực dân Pháp cũng đã xây dựng được tuyến phòng thủ vững chắc, đồng thời chúng thiết lập được hành lang Đông - Tây. Căn cứ địa Việt Bắc vẫn nằm trong tình trạng bị quân địch bao vây. Trước tình thế đó, tại ATK Định Hóa, ngày 6 tháng Giêng năm 1950, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã quyết định mở Chiến dịch biên giới Thu - Đông 1950 hướng tới 3 mục đích hết sức quan trọng: tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới; mở đường giao thông nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa anh em; mở rộng căn cứ địa Việt Bắc. Đặc biệt, ngày 6-12-1953, tại lán Tỉn Keo (xã Phú Đình), Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ (với bí danh là Chiến dịch Trần Đình). Như vậy, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, Từ quyết định lịch sử này, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã đi đến thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải kí hiệp định Giơnevơ, cam kết công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, rút hết quân đội viễn chinh ra khỏi Đông Dương. Với ý nghĩa đó, Tỉn Keo, Phú Đình, ATK Định Hoá - nơi phát tích Chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành vùng đất thiêng của cả dân tộc Việt Nam.
Mãi nhớ ơn Người
Sau khi giải phóng Thủ đô, Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Hà Nội. Tuy đã chia tay với ATK, Bác vẫn dành cho đồng bào các dân tộc Thái Nguyên tình cảm đặc biệt. Chỉ sau 2 tháng sau ngày trở về tiếp quản Thủ đô, tháng 12-1954, Bác đã đến tham dự và nói chuyện với hơn 2.000 cán bộ tại Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2 của đoàn Thái Nguyên, Bắc Giang. Sau đó, Bác đã đến với nhân dân xã Đồng Tiến (Phổ Yên), và Người đã ân cần thăm hỏi đời sống của các gia đình nông dân. Cũng vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, Bác đến chúc Tết và động viên anh em bộ đội, công nhân, cán bộ công trường đập Thác Huống (Phú Bình), nơi máy bay Pháp ném bom phá hỏng ngày 12-6-1952. Ngày 2-3-1958, Bác về thăm Thái Nguyên lần thứ 3 thăm kè Lũ Yên, xã Yên Thịnh (nay là xã Đào Xá, Phú Bình) xem chiếc máy bơm tự động chạy bằng sức nước, rồi động viên đồng bào tích cực tăng gia sản xuất để nâng cao đời sống. Sau đó, Bác đến thăm các hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Đại Từ. Ngày 4-6-1959, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập Công trường Khu Gang thép Thái Nguyên. Quan tâm đến Thái Nguyên, đến Khu Gang thép, chỉ 4 ngày sau (ngày 8-6-1959), Bác Hồ đã đến thăm công trường lần thứ nhất. Nói chuyện với cán bộ, công nhân, Bác động viên anh chị em là những người đi trước. Bác khen kết quả xây dựng bước đầu của công trường và ân cần nhắc nhở anh, chị em đoàn kết thi đua hoàn thành kế hoạch xây dựng Khu Gang thép. Ngày 13-3-1960, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ, đồng bào trong tỉnh trong cuộc họp mít tinh đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chính phủ tặng cho tỉnh Thái Nguyên và Huân chương Lao động hạng Hai tặng cho huyện Định Hóa. Ngày 31-12-1962, Bác Hồ về thăm Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa huyện Phú Lương và đồng bào xã Phủ Lý. Ngày 31-12-1963, lần cuối cùng Bác Hồ về thăm đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Buổi tối, Người đến thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học viên Trường Đảng tỉnh (nay là Trường Chính trị tỉnh), Bác nhắc nhở giáo viên, học viên phải dạy tốt, học tốt, tăng cường rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi Đảng cần, khi tổ chức giao...