Bước đầu ổn định sản xuất, đời sống đồng bào ở các xóm, bản đặc biệt khó khăn

14:37, 11/05/2015

Sáng 11-5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết giai đoạn I Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020" (gọi tắt là Đề án 2037).

Đến dự có các đồng chí: Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 2037 tỉnh.

 

Đề án 2037 được ban hành theo Quyết định số 2037/QĐ-UBND ngày 16-9-2014. Mục tiêu của Đề án là nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho vùng đặc biệt khó khăn nơi có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, tuy mới được triển khai, lại gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn vốn đầu tư, địa bàn thực hiện phức tạp, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương và sự chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân sở tại, bước đầu thu đã được kết quả đáng khích lệ. Về phát triển sản xuất, năm 2014 tỉnh đã hỗ trợ giống, phân bón trồng 308ha ngô lai cho đồng bào, kinh phí trên 2,3 tỷ đồng; năm 2015, tỉnh giao cho các huyện ứng trước giống ngô lai và phân bón cho các hộ trồng 754ha. Về xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉ trong khoảng thời gian 40 ngày, bằng nhiều nguồn lực, 14/15 tuyến đường giao thông lên các xóm, bản đặc biệt khó khăn nơi có nhiều đồng bào Mông sinh sống đã được hoàn thành với tổng chiều dài gần 40km. Qua đánh giá, việc thi công các tuyến đường đã tiết kiệm được trên 30% so với chi phí đầu tư theo định mức, tương đương với khoảng 23 tỷ đồng. Về hỗ trợ nâng cao mức sống tinh thần cho đồng bào, tỉnh đã tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho trên 3.100 lượt người...

 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải cho rằng, ấn tượng nhất trong thực hiện Đề án 2037 của tỉnh chính là tiến độ và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Chỉ trong vòng nửa năm triển khai, một số nội dung quan trọng trong Đề án, nhất là nội dung về hỗ trợ làm đường giao thông đã hoàn thành, mang lại hiệu quả thiết thực. Thứ trưởng Lê Sơn Hải đề nghị, tỉnh tiếp tục triển khai mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa các mục tiêu cũng như phần việc còn lại trong Đề án. Trong đó, tập trung vào hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp để tăng thu nhập cho đồng bào, bảo đảm tính bền vững của Đề án.

 

Tại Hội nghị, đã có 2 tập thể, 3 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án 2037; 36 tập thể và 42 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng các tuyến đường giao thông thuộc Đề án.