Bề rộng mặt đường, vỉa hè, hệ thống cây xanh, kết nối giao thông, không gian đô thị... của không ít khu dân cư (KDC) được đầu tư xây mới trên địa bàn tỉnh thời gian qua đang thể hiện những bất hợp lý.
Theo các chuyên gia ngành Xây dựng thì ở một chừng mực nào đó, nhà đầu tư hạ tầng vẫn tuân thủ đúng quy định, nhưng chỉ có điều xét về thực tế mỹ quan đô thị và tiện ích sử dụng lại chưa đáp ứng.
Qua khảo sát thực tế của chúng tôi tại một số KDC đã hoàn thiện trên địa bàn tỉnh cho thấy, hầu hết các trục đường chính và đường nhánh (hay còn gọi là đường chính khu vực, đường phân khu vực và đường nhóm nhà ở) trong KDC đều khá chật hẹp. Nhiều trục đường, xe ô tô con không thể tránh nhau khi có một chiếc xe khác đỗ bên lề đường. Không ít trường hợp xe ô tô phải trèo lên cả vỉa hè mới có thể lách ra ngoài. Đối với trục đường nhánh thì việc hai xe ô tô con tránh nhau khi có ô tô khác đỗ lại dường như không thể. Cá biệt, có trường hợp đường hẹp tới mức hai xe ô tô con không thể tránh nhau dù trên đường không có chướng ngại vật. Thực tế này không chỉ xuất hiện ở các KDC đã đầu tư cách đây vài năm mà ngay cả một số KDC mới xây hoặc đang xây cũng có thực trạng gần tương tự.
KDC số 3, 4 phường Đồng Quang được triển khai xây dựng gần như sớm nhất trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Mặc dù trục đường chính khá rộng rãi, nhưng các trục nhánh bên trong lại rất khiêm tốn. Chúng tôi thử điều khiển hai xe con ngược chiều nhau trên một đoạn đường nhóm nhà ở trong KDC, khi giao nhau phải rất cẩn thận hoặc phải cụp gương chiếu hậu mới vượt qua an toàn. Tại một số KDC xây mới khác ở T.P Thái Nguyên như KDC số 5 phường Túc Duyên, KDC hồ Xương Rồng, phường Phan Đình Phùng... và ngay cả KDC mới nhất tại xã Đồng Bẩm là Picenza cũng có những đoạn đường rất hẹp. Cùng với thiết kế mặt đường hẹp, hạng mục vỉa hè mỗi bên cũng hẹp theo. Khi vỉa hè chật thì đương nhiên cây xanh trồng trên vỉa hè sẽ lấn nhiều ra làn đường hoặc quá sát với nhà ở, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Theo ông Trần Dương Hợp, Giám đốc Sở Xây dựng thì những dự án đầu tư KDC trước thời điểm tháng 10-2013 thường có quy mô mặt đường, vỉa hè chật hẹp hơn các KDC xây dựng sau này. Sở dĩ như vậy bởi sau khi nhận thấy các KDC đều có hạ tầng giao thông nhỏ hẹp, bí bó với những trục đường quy hoạch lắt nhắt, rườm rà, tháng 10-2013, UBND tỉnh ban hành Quy định áp dụng một số tiêu chuẩn quy hoạch giao thông, đất cây xanh trong phát triển đô thị của tỉnh. Theo đó, các KDC phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn mới về cấp, loại đường trong đô thị với các chỉ số yêu cầu cao hơn. Cũng theo Giám đốc Sở Xây dựng thì các nhà đầu tư hạ tầng KDC không làm trái quy định, chỉ có điều họ vận dụng nhiều khi không hợp lý. Trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng năm 2008 có quy định rõ tỷ lệ bề rộng của đường, vỉa hè mỗi bên, khoảng cách hai đường và mật độ đường rất rõ ràng, nhưng có biên độ rất rộng. Ví dụ, bề mặt của đường nhánh trong KDC được quy định với biên độ từ 6m đến 12m. Lợi dụng điều đó, nhà đầu tư KDC khi xây dựng thường áp theo mức tối thiểu để có thêm diện tích phục vụ việc phân lô, bán nền.
Theo các chuyên gia thì việc quy định tiêu chuẩn đường giao thông trong KDC có biên độ rộng như trên là để áp dụng rộng rãi trong toàn quốc, trên cơ sở phù hợp thực tế từng địa phương. Với Thủ đô Hà Nội hay một số tỉnh, thành phố lớn khác do ít quỹ đất đô thị nên có thể áp dụng mức tối thiểu, nhưng với tỉnh ta là đô thị trung du, miền núi, quỹ đất dồi dào thì áp dụng như trên là không hợp lý.
Điểm tồn tại khác mà một số dự án KDC mắc phải đó là thiếu kết nối giao thông, không gian đô thị giữa các KDC mới với nhau và giữa KDC mới với các KDC đang hiện hữu. Theo thống kê chưa đầy đủ thì khoảng 5 năm trở lại đây, trên địa bàn T.P Thái Nguyên đã có tới mấy chục KDC được quy hoạch và xây dựng. KDC thấp nhất cũng rộng tới vài chục héc ta, nhiều thì hàng trăm héc ta. Một số KDC đã làm rất tốt việc đầu tư xây dựng hạ tầng, không “trốn” bất cứ hạng mục nào, nhất là hạng mục đường giao thông kết nối với bên ngoài. Còn lại, không ít KDC chưa thực hiện đúng theo quy hoạch ban đầu. Lý do được các nhà đầu tư đưa ra chủ yếu là vì thiếu nguồn kinh phí đầu tư hoặc chưa thi công đến. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn thì đó chỉ là những biện minh không mấy thuyết phục của các chủ đầu tư bởi có những KDC đã hoàn thành từ lâu nhưng vẫn tồn tại những con đường cụt hoặc những đoạn đường thắt cổ chai khi kết nối với bên ngoài. Không phải nhà đầu tư không có kinh phí để làm mà hạng mục kết nối đường giao thông thường không mấy ai để ý, biết đến mà thắc mắc hoặc kiến nghị, ngay cả các nhà quản lý cũng ít quan tâm.
Tuy vấn đề hạ tầng giao thông và kết nối không gian đô thị tại các KDC xét trên bình diện tổng quát thì không quá lớn, song thực tế lại rất thiết thực không chỉ đối với người dân sống trong các KDC mà cả các nhà đầu tư. Có thể, đối với một số KDC đã hoàn thiện hạ tầng thì đây là vấn đề không thể thay đổi, nhưng với các dự án đang triển khai hoặc sắp triển khai thì lại không phải quá khó để giải quyết. Điều cốt lõi là ý thức thực hiện của nhà đầu tư và sự can thiệp kịp thời của các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này.