Dồn sức chống hạn cho cây trồng vụ xuân ở Phú Bình

10:23, 08/05/2015

Vụ xuân năm nay, huyện Phú bình gieo trồng được hơn 4.900ha lúa, gần 1.000ha ngô. Hiện nay, do thời tiết nắng nóng kéo dài nên hầu hết các ao, hồ, đập tích nước trên địa bàn huyện Phú Bình mực nước đang xuống rất thấp, khiến nguồn nước tưới cho diện tích cây trồng vụ xuân của huyện gặp nhiều khó khăn.

Nắng hạn kéo dài khiến cho lượng nước ở hồ Hải Minh, xã Tân Kim (Phú Bình) chỉ còn rất ít, không đủ để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trước thực trạng đó, huyện Phú Bình đang chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện và các địa phương triển khai nhiều biện pháp chống hạn nhằm đảm bảo sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng.

 

Ông Lê Xuân Bảy, Trưởng phòng Nông nghiệp& Phát triển nông thôn huyện Phú Bình cho biết: Toàn huyện hiện có 3 hệ thống thủy nông phục vụ, đảm bảo nguồn nước tưới cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp của địa phương gồm hệ thống thủy nông Sông Cầu, hệ thống thủy nông Núi Cốc và hệ thống hồ, đập, trạm bơm do huyện quản lý với 102 hồ chứa nước và đập dâng, 44 trạm bơm điện và 2 trạm bơm dầu. Để đảm bảo nước tưới cho sản xuất vụ xuân năm 2015, ngay sau khi kết thúc vụ mùa 2014, huyện đã tiến hành rà soát lại toàn bộ các công trình thủy lợi để tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng đối với những công trình bị hỏng hoặc xuống cấp. Chỉ đạo các địa phương phát quang, nạo vét kênh mương để đảm bảo lưu thông dòng chảy. Kết quả, toàn huyện đã có 10 trạm bơm được sửa chữa, bảo dưỡng với tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng, gần 5.300m kênh mương được nạo vét. Tuy đã chủ động trong công tác chuẩn bị nhưng năm nay, do điều kiện thời tiết có diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài khiến cho nguồn nước tưới dự trữ ở các ao, hồ, đập trên địa bàn huyện giảm đáng kể. Trong khi đó giai đoạn này cây lúa đang ở thời kỳ trổ bông, vào chắc, cây ngô đang ra bắp, kết hạt nên cần được đảm bảo tưới dưỡng đầy đủ. Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng như hiện nay, nhiều diện tích lúa, ngô có thể sẽ chết cháy hoặc ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng. Theo thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp&Phát triển nông thôn huyện, toàn huyện hiện có trên 900ha lúa và gần 100ha cây trồng khác bị thiếu nước và có nguy cơ hạn, tập trung ở các xã có địa hình cao như Bàn Đạt, Tân Kim, Tân Khánh, Tân Hòa...

 

Chúng tôi đến xã Tân Kim, một trong những địa phương có diện tích cây trồng có nguy cơ hạn cao nhất trên địa bàn huyện để ghi nhận về tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp ở đây. Ông Lê Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Kim cho biết: Vụ xuân năm nay, toàn xã đã gieo trồng được trên 220ha lúa, gần 80ha ngô. Tại địa phương hiện có gần 20 hồ, đập nằm tại 17 xóm của xã. Nếu như mọi năm, đến thời điểm này, hệ thống hồ, đập ở các xóm vẫn còn đủ nước để đảm bảo việc tưới dưỡng cho cây trồng thì năm nay do lượng mưa ít, kéo theo nắng nóng dài ngày nên hầu hết mực nước ở các hồ đều rất ít, thấp hơn đáy cống tưới từ 20-30 cm. Để đảm bảo sự sinh trưởng của cây trồng, nhiều hộ dân trong xã đã phải tận dụng cả nguồn nước sinh hoạt và nước ở các khe núi để tưới cho cây trồng, tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tạm thời. Hiện nay, toàn xã có khoảng 140ha lúa, ngô bị thiếu nước và đang phải trông chờ vào nguồn nước mưa.

 

Đi thăm các cánh đồng của xã Tân Kim, chúng tôi nhận thấy mặc dù cây lúa đang trong thời kỳ trổ bông nhưng do không được tưới dưỡng đầy đủ nên một số nơi cây lúa đã bị vàng lá, có nguy cơ chết cháy. Nhiều diện tích ngô cũng đang bị héo lá và được bà con nông dân nhận định có khả năng sẽ mất trắng nếu tình hình khô hạn kéo dài. Bà Nguyễn Thị Cúc, ở xóm Hải Minh cho biết: Vụ xuân này, gia đình tôi cấy được gần 4 sào lúa, hơn 1 sào ngô nhưng chưa biết có được thu hoạch không. Nguyên nhân là do không chủ động được nguồn nước nên ruộng của gia đình lúc nào cũng trong tình trạng khô hạn khiến cây lúa không phát triển được còn toàn bộ diện tích ngô thì lá lúc nào cũng héo xoăn lại.

 

Để hạn chế tối đa những thiệt hại do hạn gây ra, Phòng Nông nghiệp&Phát triển nông thôn huyện Phú Bình đã phối hợp với các đơn vị liên quan đưa ra một số giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất trên địa bàn huyện. Cụ thể, Phòng đã phân công cán bộ thường xuyên phối hợp với các địa phương xuống tận cơ sở hướng dẫn cho bà con nông dân cách sử dụng nước tiết kiệm, dùng đến đâu tháo nước đến đó, không tháo tùy tiện, tràn lan, đồng thời lên kế hoạch tưới thật cụ thể cho cây trồng, đặc biệt là cây lúa. Quản lý tốt việc khai thác, bảo vệ các công trình thủy lợi. Phối hợp với các địa phương tiến hành thăm đồng thường xuyên và có báo cáo đầy đủ về những diện tích đã có đủ nước tưới và những diện tích không thể đáp ứng nước tưới. Nếu trong trường hợp hạn hán kéo dài vào giữa vụ và cuối vụ thì tùy theo từng vùng, từng địa phương để huy động các loại máy bơm để bơm nước tưới chống hạn cho cây trồng, đồng thời tận dụng mọi nguồn nước có thể để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp… Cùng với chống hạn cứu lúa, ngành nông nghiệp huyện cũng khuyến cáo bà con nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện, phòng trừ kịp thời, hiệu quả các loại sâu bệnh gây hại, trong đó đặc biệt lưu ý bệnh đạo ôn, rầy nâu, sâu đục thân…