Đuối nước trẻ em – nỗi lo còn tiếp diễn

12:06, 30/05/2015

Mùa hè vừa mới bắt đầu, nhưng trên địa bàn tỉnh ta đã liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn bị đuối nước thương tâm, để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình và xã hội. Tạo dựng môi trường sống an toàn và giáo dục kỹ năng sống, phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em đang là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Đã hơn một tuần trôi qua, người dân tiểu khu Dộc Mấu, thị trấn Đu (Phú Lương) vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót trước cái chết thương tâm của em Bàng Minh Hoàng. Cậu bé sinh năm 2004, đang là học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Phấn Mễ I. Người nhà em cho biết: Hôm đó là ngày 19-5, thi xong môn cuối cùng của học kỳ II, Hoàng có mời một số bạn cùng lớp về nhà chơi. Đúng hôm trời nắng nóng nên đám trẻ có xuống hồ Gốc Sui ngay gần nhà để tắm nhưng Hoàng đứng trên bờ. Buổi chiều, khi các bạn đã về hết em mới xin phép xuống hồ tập bơi, còn mẹ đứng trên bờ canh chừng. Ai ngờ chỉ một phút sơ xảy không chú ý đến, Hoàng đã bị đuối nước mà không người lớn nào ở gần đó kịp ứng cứu. Chị Thành, mẹ em đau xót: “Cháu là đứa bé ngoan và biết vâng lời bố mẹ, tôi rất ân hận chỉ vì một vài phút không chú ý đã dẫn đến cơ sự như vậy…”.

 

Một trường hợp đuối nước thương tâm khác là em Trần Đức Thắng, sinh năm 2000, học sinh lớp 9, Trường THCS xã Trung Thành (Phổ Yên). Ngày 8-5, Thắng cùng 6 bạn học ra bến sông Làng Đoài, xóm Cẩm Trà, xã Trung Thành để tắm. Một con sóng lớn do tàu cát đi qua đã khiến Thắng và một em khác là Trần Văn Tuyến bị đẩy ra xa bờ. Các bạn cùng nhóm dù cố gắng hết sức nhưng chỉ cứu được Tuyến. Phải hơn 2 giờ sau, gia đình Thắng và người dân địa phương mới tìm thấy thi thể của em. Điều đáng nói là chỉ trước đó gần một tháng, cũng trên bãi sông này có hai học sinh là Trần Văn Phong và Lê Thị Thu Huyền đã bị đuối nước, rất may có em Nguyễn Văn Nam, học sinh lớp 8C, Trường THCS Trung Thành kịp thời phát hiện và đưa được 2 bạn vào bờ. Cũng trong tháng 5-2015, một học sinh lớp 8, ở xóm Tân Khê, xã Tức Tranh  (Phú Lương) cùng nhóm bạn ra sông Cầu ở gần nhà tắm cũng đã bị tử vong vì đuối nước. Trước đó, vào đầu năm 2015, cháu Lê Thị Cẩm Ly, 2 tuổi, ở xóm Dứa, xã Ký Phú (Đại Từ) đã trượt chân ngã xuống ao và tử vong.

 

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội tỉnh, đuối nước chính là loại hình gây tử vong nhiều nhất trong số các tai nạn thương tích ở trẻ em. Năm 2014, trong số 37 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích trên địa bàn tỉnh thì có tới 27 trường hợp do đuối nước. Năm 2013, số trẻ tử vong do đuối nước là 15, còn năm 2012 là 30. Nguy hiểm là vậy nhưng dường như nhận thức của xã hội về vấn đề này còn rất hạn chế. Nhiều bậc phụ huynh vẫn xem nhẹ tai nạn đuối nước khi tỏ ra lơ là trong việc giám sát, nhắc nhở, cũng như trang bị cho con em mình những kỹ năng cần thiết. Và chính từ sự thờ ơ này đã khiến nhiều gia đình lâm vào tình cảnh tang thương.

 

Chị Trịnh Thị Nguyệt, Trưởng phòng Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Phần lớn tai nạn đuối nước xảy ra vào dịp nghỉ hè, khi trẻ em trở có phần lớn thời gian ở nhà. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tập trung vào một số yếu tố là: Môi trường sống không an toàn, trong khu dân cư có nhiều ao hồ, sông suối chảy qua nhưng không có rào chắn hay cảnh báo nguy hiểm; người lớn chưa thực sự quan tâm giám sát, nhắc nhở và trang bị cho trẻ nhỏ những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình; tỷ lệ trẻ biết bơi trên địa bàn hiện rất thấp (chỉ trên dưới 10%)… Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em (trong đó có đuối nước) giai đoạn 2011-2015. Trong đó, tập trung xây dựng các mô hình cộng đồng an toàn, trường học an toàn, gia đình an toàn… Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện mô hình điểm ngôi nhà an toàn, phòng chống đuối nước tại 2 xã Cúc Đường và La Hiên của huyện Võ Nhai. Tại đây, đã thành lập được Ban Chỉ đạo thực hiện mô hình và phát triển đội ngũ cộng tác viên. Đồng thời tăng cường tuyên tuyền, trang bị các kỹ năng chăm sóc, bảo vệ và sơ cứu ban đầu cho trẻ… Tuy nhiên, theo chị Nguyệt thì mô hình chưa thực hiện được việc dạy kỹ năng bơi cho trẻ, cũng khó nhân rộng bởi thiếu kinh phí. Hàng năm, Sở đều phối hợp triển khai một số chương trình phòng, chống đuối nước cho trẻ nhưng hầu hết dừng lại ở công tác tuyên truyền và tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em các cấp.

 

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, để hạn chế tai nạn đuối nước ở trẻ em thì vai trò của gia đình và cộng đồng là rất quan trọng. Các bậc cha mẹ cần thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo con em để có ý thức tự bảo vệ mình; quan tâm trang bị cho con em kỹ năng bơi lội và cách xử lý khi phát hiện người bị đuối nước; chăm lo xây dựng môi trường sống an toàn từ mỗi gia đình, khu dân cư. Nhưng khu vực ao hồ, sông suối tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đuối nước phải có biển cảnh báo nguy hiểm hoặc rào ngăn bảo vệ; khi cho trẻ tắm sông, suối hay bể bơi phải có người lớn, người bảo vệ đi cùng…