Hạnh phúc bình dị

15:29, 25/05/2015

Trong ngôi nhà xây cấp 4 nằm ở góc xóm Gò Lớn, xã Lục Ba (Đại Từ), trên chiếc giường đôi, ông Nguyễn Đình Bàng 77 tuổi, nhẩn nha đọc thơ mình viết cho vợ nghe.

Vợ ông, bà Nguyễn Thị Lực, 75 tuổi, bị liệt toàn thân, miệng không há được, chỉ có ánh mắt biểu cảm, xúc động trước từng vần thơ chồng viết tặng mình.

 

 Ông Bàng đã viết thơ, đọc thơ cho vợ nghe từ 5 năm nay. Thơ ông viết về tình yêu của mình dành cho vợ, về khao khát giữa cuộc đời có phép màu nhiệm bất chợt đến, giúp cho người đàn bà ông yêu thương nhất khỏi được căn bệnh quái ác, được đi lại, nói, cười và bên ông vui vầy cùng đàn cháu nội, ngoại.

 

Ông rót cho tôi chén rượu ngâm củ cây rừng, bảo: Quý lắm, đàn ông uống vào là vợ nó phấn khởi, sớm dậy còn cho ăn trứng đánh với mật ong. Còn tôi, lâm cảnh này, mỗi ngày uống nửa lít lấy hưng phấn làm thơ tặng vợ. Ông dừng lời, tay nhẹ vuốt lên chòm râu bạc vẻ nghĩ suy, rồi nhâm nhi ly rượu ngâm thuốc có màu óng vàng. Ông đưa mắt nhìn ra khoảng sân trước nhà, nơi đôi chim câu đang nhặt thóc cùng nhau, bảo: Loài vật còn biết yêu thương, tận hưởng hạnh phúc, lẽ nào con người lại không biết trân trọng điều đó. 

 

Hạnh phúc, có người bảo: Cứ nhiều tiền là mua được. Người lại bảo: Cứ có quyền là ra lệnh được. Nhưng tôi thấy trong cuộc đời không hiếm người quyền cao trọng vọng, tiền bạc chẳng biết tiêu vào đâu cho hết nhưng lại phải bi lụy, rơi nước mắt, bất lực vì nhận ra sự giả dối hằng ngày ở kề bên. Ông bảo: Cái giả dối ấy nó đến với chính những người giả dối, không có tình yêu đích thực, ngay từ đầu họ đã lợi dụng nhau. Những thứ làm họ mờ mắt chính là tiền bạc, là chức tước, địa vị trong xã hội. Và suốt cuộc đời họ là kẻ nô lệ cho những thứ phù du đó. Còn tôi, hạnh phúc chỉ giản đơn là biết yêu thương nhau trong mọi hoàn cảnh. Ngay như bây giờ vợ tôi đang nằm một chỗ, chân tay co quắp, người chỉ còn một nhúm xương, nhưng với tôi, bà ấy vẫn là người phụ nữ đẹp nhất.

 

Cái chất “nghệ sĩ làng” hồn hậu không bị cơ chế thị trường pha trộn, khiến câu chuyện ông dành cho tôi và mọi người trở lên hồn nhiên, đáng yêu, sâu sắc và cảm phục. Xưa nay, các cụ dạy “Bà chăm ông” chứ có ai bảo ông chăm bà đâu. Vậy mà ông Bàng, “thi sĩ xóm” chăm vợ tận tụy, hết mình, cái cách chăm sóc vợ của ông giống như 2 người mới yêu nhau. Hằng ngày, ông tự tay tắm, giặt cho vợ và cho vợ ăn 3 bữa chính, 3 bữa phụ. Bữa chính là cháo, bữa phụ là đường pha sữa. Vì bà không há được mồm, ông phải dùng xi lanh hút cháo, sữa rồi lựa cho đầu xi lanh đi qua khe răng và bơm vào. Lúc rảnh rỗi, ông tranh thủ dọn dẹp vườn tược và làm thơ. Ông đã gửi thơ đến vài tòa soạn báo và được đăng tên trên hộp thư bạn đọc. Nhìn bầu rượu, túi thơ, tôi đoán chắc khó đếm được số bài thơ ông đã viết tặng vợ, mà số lượng thơ phải tính bằng ki lô gam. Ông kể: Có đêm tôi thức trắng bên vợ để làm thơ. Thơ có hôm làm được vài bài, cũng có khi phải mấy ngày mới xong được 1 bài, vì thơ phải có cấu, tứ thì đọc mới có hồn.

 

Bà Lực nằm trong đống chăn. Bà chỉ biết khuyến khích câu chuyện của chồng bằng cách chớp chớp đôi mắt. Đôi mắt không còn biết cười như những ngày năm xưa làm bao trai làng đắm đuối xin trồng cây si ngoài ngõ. Bấy giờ là chị lực, người xóm La Lang, có vóc cao ráo, nhanh nhẹn và làn da trắng mịn. Chị Lực là tuyển thủ đội bóng chuyền tỉnh, được tham gia thi đấu ở nhiều giải lớn nên có nhiều người biết. Ngày ấy, có anh con trai nhà giàu ở Hà Nội lặng lẽ đi theo để cổ vũ chị tham gia các trận thi đấu. Rồi làm quen, theo về xóm La Lang xin phép cầu hôn với chị. Chị Lực không nhận vì sợ đến một ngày nào đó người thành phố đổi ý, quên lời. Đầu năm 1966, một trai làng Quyết Tiến (nay xóm Quyết Tiến nằm dưới lòng Hồ Núi Cốc) đến nhà ướm lời. Thấy chàng trai mảnh dẻ, nhanh nhẹn, chuyện trò có phép tắc, chị Lực gật cái rụp. Một đám cưới giản dị được tổ chức, họ nên vợ, thành chồng. Chàng trai ấy chính là ông Bàng (thi sĩ xóm bây giờ).

 

Về nhà chồng được ít năm, bà Lực lại tất tưởi dắt 4 đứa con theo chồng chạy nước lòng hồ, về định cư tại xóm Gò Lớn ngày nay. Cuộc sống cực nhọc, vất vả, vợ chồng họ phải xoay sở phát đồi, dọn bãi để trồng sắn, tra lúa. Nhớ lại tháng ngày mới dời chuyển về làng mới, ông Bàng dân dấn nước mắt: Mất mấy năm dòng cả nhà ăn cháo nấu độn sắn. Thỉnh thoảng cũng có bữa cơm, nhưng miếng sắn cõng hạt cơm. Được cái trời cho sức khỏe nên chẳng ai đau ốm. Vợ chồng phát cây mở bãi được gần 3 ha đất, rồi ngày ngày san bạt cải tạo, chỗ cao trồng cây sắn, cây ăn quả, chỗ thấp cấy lúa, trồng rau, chăn nuôi gà, lợn. Lúc cái nhà bằng cây tre sắp đổ, vợ chồng lại quần quật đóng gạch, xây nhà và đẻ thêm được 3 đứa con nữa là 7.

 

Hiện các con của ông Bàng với bà Lực đều đã trưởng thành, ra ở riêng. 2 thân già ở lại trong ngôi nhà cấp 4 lòng viên mãn với hạnh phục của mình. Chợt ông Bàng kéo tôi đến trước ban thờ, giới thiệu người thân trên di ảnh: Cụ Nguyễn Đình Hưng, tự Pháp Hinh là ông nội tôi. Cụ là thầy đồ Nho dạy chữ cho trẻ nhỏ và bị Tây đồn (lính Pháp) bắt bỏ tù 3 thàng vì không chịu nghe theo sai bảo của chúng. Cụ Nguyễn Đình Nhữ, con trai của cụ Hưng và là bố đẻ tôi. Cụ Nhữ làm Hương Sư (dạy chữ quốc ngữ), là cán bộ tiền khởi nghĩa và là đảng viên. Năm 1954, cụ Nhữ bị cán bộ cải cách quy địa chủ, bị bắt đi tù, 5 anh em tôi và mẹ, và bà cụ hơn 70 tuổi bị đuổi ra khỏi nhà. Ngôi nhà được làm bằng mồ hôi, nước mắt của gia đình tôi bị tịch thu, giao lại cho một người thành phần bần cố nông cùng xóm. Bố tôi bị đày qua nhiều nhà tù khác nhau, cuối cùng bị đày lên Nhà tù Sơn La. Một ngày, bố tôi được cán bộ quản giáo gọi ra sân đứng tập trung, điểm danh, đưa lên xe chạy thẳng về Hà Nội. Tại đây, cụ được ăn một bữa no nê và được cấp tiền trở về nhà. Tháng 6-1956, cán bộ cải cách huyện về địa phương thông báo: Bố tôi là đối tượng bị quy sai, nên được trở về và được bố trí đi làm cán bộ ngân hàng Nhà nước. Tuy chính quyền địa phương đã nhận khuyết điểm quy sai thành phần cho bố tôi, nhưng tổ chức Đảng không khôi phục lại Đảng tịch cho cụ. Song cụ lạc quan, dạy các con cháu: Bố không còn là đảng viên nữa, nhưng bố luôn là người cộng sản. Giây lát dừng lời, cổ họng ông Bàng nghẹn lại, cải yết hầu cứ chạy lên chạy xuống như nửa muốn nuốt vào trong, nửa muốn bật ra ngoài. Ông thở dài: Vâng lời bố, tôi sống gìn giữ, phấn đấu, ngày còn trẻ đã một vài lần đi học lớp đối tượng Đảng, và cứ phấn đấu, cống hiến hết mình, song Bí thư chi bộ luôn động viên: “Cần tiếp tục phấn đấu”.

 

Bây giờ thì đã là một ông già. Râu, tóc bạc trắng, nhận thấy hạnh phúc lớn nhất vẫn không ngoài cái tổ ấm của gia đình mình, mà ở đó người giữ ấm cho hạnh phúc chính là người vợ thân thiết. Ông rót thêm rượu vào chiếc ly nhỏ mời tôi, lần này không ồn ào, giọng ông nhẹ nhàng như ngọn gió thoảng qua khu rừng keo sau nhà: Năm 2010, tai họa bắt đầu ập xuống gia đình, cứ vợ tôi “nó nhắm”. Đầu năm, bà bị cái nhọt to mọc ở tay, đau nhức quá, đưa nhau vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, vì chích non nên tay bị què. Lại phải đưa nhau về Bệnh viện Việt - Nhật (Hà Nội) chạy chữa. Sau 2 tháng trở về nhà, tay vợ tôi bị cong lại không vận động được. Tay chưa khỏi lại phát hiện vợ tôi bị khối u vòm họng. Về Bệnh viện Bạch Mai chữa 1 tháng, vợ tôi trở thành người câm. Chưa hết đau, mệt, tháng 12-2010, vợ tôi bị khối u huyệt mông, về Bệnh viện Bạch Mai mổ điều trị, sau 30 ngày, vợ tôi xuất viện, đặt đâu ngồi đó vì không thể đứng được trên đôi chân của mình. Lê lết, đến đầu năm 2012 thì vợ tôi bị bại liệt hẳn, các cơ chân tay teo tóp, người tọp đi. May là vợ tôi có Huân chương chống Mỹ hạng Ba, được bảo hiểm y tế toàn phần nên không phải mất tiền điều trị bệnh tật.

 

Đặt tập thơ mới làm, tự in có tựa đề: “Tình Phu Thê” xuống mép giường, ông Bàng loay hoay chuyển tư thế nằm cho vợ. Ông khẽ hỏi: Em có đau không? Em đói chưa? Nhà mình hôm nay có khách quý đấy!. Tôi không biết bà Lực có nghe rõ lời chồng nói không, nhưng tôi thấy đôi mắt bà chớp liên tục, rồi từ sâu trong khóe mắt, có giọt nước trong như ngọc lăn xuống gò má, rơi lên bài thơ: “Hát ru cho vợ ngủ” ông mới sáng tác đêm qua. Tôi đọc được câu thơ nước mắt bà làm ướt: “Bà ơi! Tôi hát ru bà/Ngủ ngoan đi nhé, đôi ta chung mùng”. Tôi nén lau nước mắt, lòng cảm động vì được chứng kiến một hạnh phúc rất đời thường, song vô cùng đẹp đẽ.